Gặt hái thành công, nhiều doanh nghiệp FDI muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

VOVGT - Với chính sách cũng như môi trường đầu tư thuận lợi, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất của khu vực và thế giới. Với chính sách cũng như môi trường đầu tư thuận lợi, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh nh họa Zing.vn  

Đánh giá thành tựu mở cửa, thu hút nguồn vốn FDI trong 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khu vực đầu tư nước ngoài hiện trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Lũy kế đến tháng 8/2018, cả nước có 26.500 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2017.

Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài tăng đáng kể, từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Một kết quả quan trọng khác là đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin... Đây là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Để phát huy mặt tích cực và hạn chế tồn tại của dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Bên cạnh kết quả, thành tựu, chúng ta cũng đánh giá những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua. Các dự án cần gắn với phát triển bền vững, tức là phải có trình độ công nghệ cao hơn, thân thiện môi trường hơn, ít phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng hơn. Bên cạnh đó, phải gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế…”.

 

Ảnh nh họa

Cùng quan điểm này, Trưởng phái đoàn Liên nh châu Âu tại Việt Nam, Bruno Angelet cho rằng, sau 30 năm tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Việt Nam cần nguồn vốn đầu tư FDI “chất lượng hơn”, mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước.

Còn theo ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), doanh nghiệp FDI cần thị trường Việt Nam, nhưng cũng cần một nền tảng sản xuất. Nếu không có công nghệ và hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thì sẽ không thu hút được nguồn vốn FDI mới.

Ông Tomaso Andreatta cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tích cực tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nông nghiệp, dịch vụ công nghệ; khuyến khích công nghệ mới như xe chạy bằng điện hay ngành công nghiệp tạo nên giá trị gia tăng cao. Để làm được điều này, Đồng Chủ tịch VBF khuyến nghị, Việt Nam cần một hệ thống bảo hộ trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh và hiệu quả giữa các bên.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài, ông Shoeib Reza Choudhury – Tổng giám đốc Công ty Dsl Express Việt Nam bày tỏ: “Trong những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, cùng với đó, chúng tôi sẽ đào tạo nguồn lao động trở thành động lực hiệu quả hơn, sẵn sàng cho kỷ nguyên số. Với các khoản đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi tin tưởng, chúng tôi sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Tôi thực sự tin tưởng rằng, Việt Nam có tương lai sáng, với mức độ tăng trưởng như chúng ta đang có hiện nay, Việt Nam là nước thịnh vượng trong vòng 10 năm tới”.

 

Theo nhiều tổ chức quốc tế, thời gian qua Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Ông Nicolas Audier – Đồng chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu luôn tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam, hướng tới tăng trưởng bền vững và cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam.