Gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối

Sáng nay (10/10), tại Hà Nội, Hiệp hội Thương nhân Kinh doanh biên mậu Việt Nam phối hợp với Công ty CP Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Hội nghị nằm trong Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, do Bộ Công Thương chủ trì. 

Theo đó, việc hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối gặp gỡ, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, từng bước đưa các sản phẩm hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Kinh doanh biên mậu Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp tham gia hội nghị lần này có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất để nắm bắt, kết nối, mua được hàng hóa ở nơi rẻ nhất, chất lượng nhất, thuận lợi nhất rồi từ đó đưa đến các kênh phân phối cũng như đến tận tay người tiêu dùng”.

Hội nghị là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất và phân phối gặp gỡ, kết nối, trao đổi kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa

Theo ông Đỗ Thanh Lam, những địa phương có đường biên giới với các nước láng giềng đa phần là những địa phương ền núi, vùng sâu, vùng xa hiện là một trong những thị trường tiềm năng có nhiều cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực mà tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng rất phổ biến. Vì vậy, rất cần những giải pháp nhằm đưa hàng Việt Nam tiếp cận khu vực này. Điều này vừa góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vừa có thể kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hoạt động thương mại biên giới nói riêng.

Sự kiện thu hút rất đông người tiêu dùng quan tâm hưởng ứng

Tại hội nghị, các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối đều cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì nông sản của Việt nam cần đầu tư bài bản từ khâu sản xuất tới bao bì mẫu mã mới có thể chinh phục được khách hàng.

Các hội nghị xúc tiến thương mại không chỉ dừng ở việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm mà còn là cơ hội tìm kiếm đối tác và đi đến ký kết hợp đồng phân phối, xuất khẩu. 

Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp phân phối.