Gạn bớt mối quan hệ độc hại

Nếu như thực phẩm độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thì các mối quan hệ độc hại cũng có tác động tiêu cực tương tự, không chỉ sức khỏe thể chất mà còn tổn hại tinh thần.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Nếu bạn luôn có cảm giác tiêu cực và không tìm thấy niềm vui trong một mối quan hệ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã đến lúc cần thay đổi. 

Đó là các đối tác mà khi trò chuyện, bạn không nhận thấy sự quan tâm thực chất, không tìm thấy thịnh tình, mà thay vào đó là thái độ dè chừng, thủ thế, sự trách móc, chỉ trích một cách bóng gió hoặc trực diện, thậm chí có dấu hiệu công kích lẫn nhau. Nó khiến bạn cảm thấy ức chế, căng thẳng hoặc lo lắng, nghi ngờ bản thân. Bạn cảm thấy mình bị kiểm soát, thấy ngột ngạt trong mối quan hệ này.

Ít người thừa nhận mình đang trong một số mối quan hệ độc hại, hoặc nhận rõ yếu tố độc hại trong một mối quan hệ, ngay cả với bạn bè, người thân, đối tác, cấp trên, hay đồng nghiệp, bởi guồng quay của việc giao lưu, kết nối hàng ngày. 

Hãy mạnh dạn dừng lại một mối quan hệ nếu bạn thấy độc hại dù điều đó đôi khi khó khăn. Nhưng đổi lại, bạn sẽ không phải đeo theo những viên đá vô hình trong tâm thức.

Trong một số trường hợp, mối quan hệ không thể chấm dứt dễ dàng, vì còn liên quan đến nhiều ràng buộc trách nhiệm. Bạn nên đặt ra những ranh giới cần thiết để đối phương tôn trọng và không vượt qua. 

Và cũng tương tự thực phẩm hay không khí độc hại, việc trang bị hiểu biết, kỹ năng để nhận diện và phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với quá trình “giải quyết hậu quả”. Khi bạn đã phân nhóm và đánh giá được các mối quan hệ theo mức độ nguy cơ, thì khả năng gặp phải những mối quan hệ độc hại cũng sẽ giảm đi đáng kể./.