Festival Tôm Cà Mau: Đưa thương hiệu tôm Đất mũi vươn xa

Nâng tầm chuỗi giá trị con tôm – một trong những sản phẩm “trụ cột kinh tế” của tỉnh Cà Mau, từ ngày 10/12 đến 13/12, địa phương này tổ chức Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023 với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau 2023 – Tự hào thương hiệu Việt”.

Sự kiện sẽ khai mạc lúc 19h ngày 10/12 tại Quảng trường Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau. Đây là thông tin vừa được UBND tỉnh Cà Mau cung cấp trong buổi họp báo chiều ngày 21/11.

Quảng bá, giao thương, trưng bày sản phẩm tôm… là hoạt động chủ đạo của Festival nhằm đạt mục tiêu về kinh tế, thương mại và danh tiếng của ngành tôm Cà Mau. Không gian trưng bày triển lãm thương mại ngành tôm được thiết kế với 400 gian hàng, tập trung quanh các sản phẩm: thiết bị, dây chuyền công nghệ chế biến tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong ngành nuôi trồng thủy sản; lĩnh vực sản xuất con giống chất lượng, sạch bệnh; gian hàng hải sản tươi sống nổi tiếng của vùng đất Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Song song đó là các chương trình Hội nghị mà điểm nhấn là công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau; Kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Xúc tiến thương mại; Tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh/thành ĐBSCL. Chương trình Hội thảo tập huấn về giải pháp phát triển bền vững ngành tôm; Xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng tôm Cà Mau. Đặc biệt, hoạt động Ngày hội ẩm thực là một điểm nhấn được chờ đợi vì đây là không gian để các nghệ nhân, đầu bếp giỏi… trình diễn chế biến các món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cà Mau.

Cà Mau có trên 283.000 hecta đất nuôi tôm, tổng sản lượng tôm hằng năm ít nhất 230.000 tấn.

Ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, nghề nuôi tôm và chế biến các sản phẩm tinh túy từ tôm đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời. Con tôm là sản vật quen thuộc và phổ biến nhất mà cư dân Cà Mau khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn trên vùng đất mới. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Cà Mau năm 2022, toàn tỉnh Cà Mau có trên 283.000 hecta đất nuôi tôm, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng sản lượng tôm hằng năm giao động 230.000 tấn, chiếm 20% sản lượng tôm cả nước. Tôm đã chính thức được Cà Mau được đưa vào chương trình giáo dục địa phương.

Nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Cà Mau có 137 sản phẩm OCOP, trong đó, có 53 sản phẩm của 22 chủ thể được chế biến từ tôm, chiếm 39%. Các sản phẩm OCOP được chế biến từ tôm trong tỉnh, như: Tôm khô, bánh phồng tôm, chà bông tôm, chả tôm, tôm rang, mắm tôm chua, tôm khô ép… được đánh giá là phù hợp với thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thể hiện đậm nét đặc sắc, truyền thống của địa phương.

Thời gian qua, Cà Mau đã nỗ lực nâng hạng cho những sản phẩm OCOP bằng những việc làm thiết thực, như: Đầu tư trang thiết bị phục vụ quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, hướng tới xúc tiến, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ…

Con tôm là sản vật quen thuộc mà cư dân Cà Mau khai thác để phục vụ mục đích sinh tồn trên vùng đất mới.

“Festival Tôm và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL 2023” được tổ chức với  kỳ vọng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu tôm tỉnh nhà và các sản phẩm OCOP của địa phương đến du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển các ngành nghề. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, dây chuyền, con giống và công nghệ chế biến tôm của Cà Mau và khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 3441/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sản phẩm tôm khô trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Nam Bộ nói chung. Nghề làm tôm khô có nhiều điều kiện để duy trì và phát triển với các vùng nguyên liệu có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh Cà Mau. Năm 2021, tôm khô Cà Mau đã vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Về kỹ thuật, Nghề làm tôm khô tỉnh Cà Mau là tri thức dân gian trong ẩm thực, thể hiện ở khâu: làm sạch nguyên liệu, quy trình luộc tôm, phơi tôm, bóc tách vỏ tôm, kinh nghiệm chế biến món ăn từ tôm khô. Sự khéo léo của người làm nghề tôm khô ở chỗ biết pha nước muối để luộc con tôm vừa chín, canh lửa, canh thời gian luộc tôm, chế độ phơi và đảo tôm khi phơi…