Đường Yên Phụ: Khơi nguồn cảm hứng

VOVGT - Con đường Yên Phụ thơ mộng rợp bóng mát khi xưa là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Đường Yên Phụ dài hơn 1400 m từ ô Yên Phụ chạy qua các phố Cửa Bắc, Hàng Bún, Hàng Than, Hòe Nhai, Hàng Đậu. Phố Yên Phụ dài hơn 600m nối đường Yên phụ ở ô Yên Phụ kéo dài đến nga ba đường Âu Cơ, Nghi Tàm.

Thời Pháp thuộc con đường này mang tên Đê Yên Phụ. Trên bản đồ Hà Nội hiện nay thường đồng nhất phố và đường Yên Phụ là một. Câu chuyện về xuất xứ tên gọi Yên Phụ được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể lại:

 

Đường Yên Phụ

Xưa Làng Yên Phụ có 2 xóm, xóm sát Hồ Tây gọi là “ xóm Diu” ( tôm Diu), Xóm nằm giữa con đê mới và con đê cũ gọi là “xóm giữa” hay còn có tên là “xóm Đê”. Trong ký ức của những người dân sống trên phố Yên Phụ thì phố xưa kia khá lụp xụp và xơ xác chứ không sầm uất như bây giờ:

 

Con đường Yên Phụ tuy ở một vị trí đẹp như vậy nhưng rất ít người biết được con đường từng mang nỗi lo toan của người Hà Nội mỗi khi vào mùa lũ thời chống Pháp, chống Mỹ. Trước kia nhà máy điện Yên Phụ là nơi cấp nguồn ánh sáng của thành phố cùng nhà máy nước Yên Phụ chăm lo cuộc sống hàng ngày cho người dân thủ đô. Một người dân trên phố chia sẻ:

 

Cuộc sống của dân nghèo càng nghèo hơn khi hứng chịu đủ thiên tai, địch họa thời chống Mỹ. Cứ mùa nước lên( khoảng tháng 6, tháng 7) nước lũ tràn lên, ngập bãi, ngập chân đê. Dân lại sơ tán đến nơi an toàn hơn.

Nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ thì thường xuyên là tiêu điểm bắn phá của Mỹ. Khó khăn là thế, nhưng ngay sau khi hòa bình lập lại, cuộc sống của người dân nơi đây lại thay đổi nhanh chóng. Đường làng được lát nhựa phẳng lì sạch sẽ, các cửa hàng kinh doanh mọc lên san sát, nhà cao tầng cũng đua nhau mọc lên.

Nhà máy điện Hòa Bình ra đời đã khống chế mực nước sông Hồng, dân cũng không còn nơm nớp trước mùa lũ nữa. Nhà máy điện Yên Phụ cũng được thay thế bằng hai tòa tháp 33 tầng, trả lại không gian xanh, không khí trong lành cho người dân.

Con đường gốm sứ tại Yên Phụ

Để kỷ niệm nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã cho xây dựng, cải tạo bến Nứa lộn xộn, bề bộn, nhộn nhạo xưa kia thành điểm trung chuyển xe buýt Long Biên trật tự, ngăn nắp, nề nếp, khang trang, sạch sẽ. Nơi đây cũng có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như chùa Trấn Vũ, Đình Yên Phụ, Đền Nghĩa Dũng, Cung An Thọ, Đền Thiên An, Miếu Hai Cô, Miếu Cây Đa, ếu Cây Bàng.

Trong đó đình Yên Phụ là một ngôi đình độc đáo ở Hà Nội, xây theo kiểu chữ Đinh với 5 gian đại bái chạy dọc, 3 gian hậu cung nằm ngang. Đình thờ ba vị thành hoàng Uy Linh Lang và hai em Vương Đôi, Vương Ba - con vua Trần Thánh Tông có công đánh thắng giặc Nguyên Mông. Khi ngài hóa, các ngài còn phù trợ cho dân làng đắp đê Yên Phụ vững chắc không còn bị sụt lở như trước. Để tỏ lòng biết ơn, dân làng kiêng kỵ không dùng từ Lang, nên ở làng Yên Phụ xưa, khoai lang phải gọi là khoai dây.

Đường Yên Phụ giờ đây là một con đường giao thông huyết mạch của Thủ đô. Từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên, khách có thể đi khắp nơi trong Thành phố cùng những tỉnh lân cận một cách thoải mái, thuận tiện và tiết kiệm.

Là một làng nằm trong khu vực có nghề trồng hoa tại Thăng Long - Hà Nội, bao gồm cả địa bàn các xã Quảng Bá, Nghi Tàm, Phú Thượng, Quảng An và Nhật Tân, người dân trên phố Yên Phụ ngoài trồng hoa, nuôi cá cảnh, còn nổi tiếng với nghề làm hương nổi tiếng khắp kinh kỳ. Cùng với hoa Nhật Tân, hương Yên Phụ trở thành một trong những những vật phẩm tinh thần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người Việt tại kinh thành Thăng Long một thời.

Vào dịp giáp Tết cửa ô Yên Phụ nhộn nhịp và đẹp đến bất ngờ... Bởi từ trung tuần tháng chạp, người Hà Nội đã đạp xe hoặc đánh ôtô lên Nghi Tàm, Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, mua đào mua quất về đón Tết...Và từ Tết ông Táo trở đi, từ cửa ô này, hoa, cây cảnh theo đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), đường đê Yên Phụ đem vào nội thành... Quất vàng, đào thắm từ mờ đất đã làm sáng cả lòng đường cửa ô phía Bắc...

Con đường Yên Phụ thơ mộng rợp bóng mát khi xưa là nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhạc sĩ. Có một giai điệu từ bài ca khải hoàn của dân tộc vẫn vang vọng trong tâm trí mỗi chúng ta, nhiều nhất là vào những ngày tháng Tư rực rỡ.

Đó là bài hát Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà. Nhạc sĩ kể ông viết bài hát Đất nước trọn niềm vui trong đêm 26/4/1975 tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội.

Một điều ít ai biết là ca khúc nổi tiếng “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ một trường ca trữ tình mang đầy tâm sự về Hà Nội của nhà thơ Phan Vũ. Nhà thơ Phan Vũ viết “Em ơi, Hà Nội phố” trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún rất gần nhà máy điện Yên Phụ, một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong những ngày Hà Nội chìm vào cơn mưa bom bão đạn năm 1972. Nhà thơ Phan Vũ vốn là bạn bè than thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái, nên ông hay đi cùng họa sĩ Phái.

Họa sĩ Phái vẽ phố, còn ông nghĩ về phố. Ông kể: “Trong một đêm lang thang giữa những góc phố vắng tanh, hiu quạnh gần Nhà máy điện Yên Phụ, cảm xúc mong nhớ Hà Nội bình yên đã thôi thúc tôi viết những dòng thơ này. Cảm xúc chi tiết trong thơ đều xuất phát từ những gì đẹp nhất của người con gái Hà Nội, góc phố rêu phong, mùa đông Hà Nội…”.