Đường sắt cao tốc, không nên tính lời lãi mà nên là đòn bẩy phát triển

Cho dù hiện nợ công của ngành đường sắt đang rất lớn, nhưng tại sao Trung Quốc vẫn duy trì đầu tư? Đó là bởi đầu tư vào đường sắt, không nên chỉ nhìn nhận vào lời lãi, mà cần nhìn cả vào cơ hội phát triển kinh tế vùng, miền.

Theo số liệu được công bố bởi Bộ GTVT Trung Quốc vào đầu tháng 9, đường sắt quốc gia này trong đợt cao điểm hè vừa qua đã phục vụ gần 900 triệu lượt hành khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình có hơn 14 triệu lượt khách lựa chọn đi tàu mỗi ngày, tính từ đầu tháng 7 tới hết tháng 8. Tổng cộng trong 7 tháng đầu năm, đã có gần 38 tỷ chuyến đi liên vùng được thực hiện, tăng 6,6%.

Theo bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế, ngân hàng Hằng Sinh, Trung Quốc, dù ngành đường sắt quốc gia tỷ dân đang chịu nợ công lớn, nhưng không thể bỏ qua những lợi ích mà đường sắt cao tốc đem lại như thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ền, thúc đẩy du lịch v.v…

Như tại tỉnh Liêu Ninh nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc, người dân nơi đây tự hào có đất nông nghiệp màu mỡ cùng nhiều di sản văn hoá phi vật thể phong phú. Nhờ sự phát triển của đường sắt cao tốc mà khách du lịch, người dân ở các nơi khác ngày càng dễ tiếp cận với văn hoá và di sản của tỉnh.

Tuyến đường sắt cao tốc giữa 2 thành phố Lan Châu và Vũ Uy, cả hai đều ở tỉnh Cam Túc của Trung Quốc. Ảnh: Mauro Ramos

Thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh còn được biết đến với cái tên “thành phố hoá thạch” nhờ nhiều khám phá quan trọng về cổ sinh vật học. Ông Liu Changhua, giám đốc Công viên địa chất Quốc gia Triều Dương chia sẻ:

“Trong nhiều năm, chúng tôi đã háo hức chờ đợi đường sắt cao tốc mở cửa vì nhờ đó mà chúng tôi sẽ có nhiều khách du lịch hơn. Hiện, chỉ mất ít hơn 2 tiếng để đi tàu cao tốc từ Bắc Kinh tới Triều Dương, nhanh gấp 3 lần so với đi tàu thường, vì vậy mà lượng du khách tới đây đã tăng gấp đôi”.

Không chỉ ngành du lịch ở Liêu Ninh, mà nhiều ngành nghề khác của tỉnh cũng được hưởng lợi từ đường sắt cao tốc. Tại Liêu Ninh có nghề làm giấm thủ công có bề dày lịch sử lâu đời. Trước khi có tàu cao tốc, các doanh nghiệp làm giấm tại đây đã gặp nhiều khó khăn để có thể duy trì và mở rộng thị trường. Ông Yu Runyuan, giám đốc một doanh nghiệp giấm ở Liêu Ninh chia sẻ:

“Trước đây, chúng tôi chỉ có 1 chuyến tàu mỗi ngày, và nó mất 12 giờ để đến được Bắc Kinh hay Thẩm Dương. Nhưng từ khi có đường sắt cao tốc thì cả lưu lượng hành khách và hậu cần đều được cải thiện rõ rệt. Sản lượng hàng năm của chúng tôi hiện đã đạt mức 6.000 tấn, gấp đôi so với ngày trước”.

Tàu cao tốc giường nằm đi từ ga Tây Bắc Kinh tới ga Tây Cửu Long, đặc khu Hong Kong

Tác động to lớn của đường sắt tốc độ cao tới sự phát triển kinh tế là điều không phải bàn cãi. Điển hình như tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318 km, được khánh thành năm 2011, đã tạo sức bật lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Với tốc độ lên tới 350 km/h, tuyến này giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai trung tâm kinh tế từ hơn 10 giờ xuống dưới 5 giờ, giúp tăng cường giao thương và hoạt động kinh tế giữa Bắc Kinh và Thượng Hải.

Sau khi tuyến đường này đưa vào khai thác năm 2012, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương dọc tuyến tăng lên gấp đôi sau 10 năm, tương ứng tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm, trong vòng 10 năm từ 2012 - 2022. Theo Ngân hàng Thế giới, tuyến đường này đóng góp 0,3% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm đầu vận hành, thúc đẩy các ngành dịch vụ, tài chính, và công nghệ cao.

Mạng lưới đường sắt cao tốc cũng tăng cường kết nối liên khu vực và thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực. Đường sắt cao tốc đã tăng cường trao đổi giữa các khu vực phía Đông, Trung, Tây và Đông Bắc, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển hội nhập của các khu vực của Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, Khu Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Ma Cau (Trung Quốc) và các khu vực khác, tăng cường kết nối giữa các khu vực đô thị, thúc đẩy hội nhập đô thị và nông thôn, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển đồng bộ của kinh tế và xã hội khu vực.

Ảnh: Caixin Global

Việc phát triển đường sắt cao tốc để thúc đẩy kinh tế vùng ền cũng chính là mục tiêu của dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam tại Việt Nam. Mới đây, tại buổi thông tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam do Bộ GTVT tổ chức vào chiều 1/10, tính toán của Bộ GTVT cho biết, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách...

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIV, thành viên Tổ chuyên gia của Ban Chỉ đạo xây dựng thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao cho rằng, dự án sẽ là cú hích cho phát triển kinh tế:

“Khi có các nhà ga của đường sắt tốc độ cao ở 20 tỉnh thành, chắc chắn sẽ có kết nối giao thông tới các tỉnh khác để sử dụng tuyến này. Có thể tiếp tục là đường sắt, có thể là đường bộ tốc độ cao hay các hình thức khác, đó là sự tác động lan toả. Có thể sự tác động này chưa hiện hữu, nhưng sẽ có vai trò quan trọng hơn cả sự tác động trực tiếp của dự án đường sắt.”

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ: “Chúng ta không được hoàn vốn của riêng dự án đường sắt này, nhưng chúng ta có thể hoàn vốn thông qua việc phát triển không gian kinh tế, đi cùng với cả động lực phát triển của du lịch, tăng khả năng cạnh tranh hàng hoá v.v… đó là cách chúng ta thu hồi vốn, chứ không phải như cho thuê nhà hay biệt thự. Đây là cách mà cả thế giới làm”.