Đường Lạc Long Quân: Tô điểm bức tranh Hồ Tây

VOVGT - Đường Lạc Long Quân gắn liền với những câu chuyện lịch sử, nhiều nhân vật nổi tiếng với những vẻ đẹp khác nhau, tô điểm thêm cho bức tranh Tây Hồ

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, trăm trứng ấy nở thành trăm người con. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được." Hai người bèn chia con mà ở riêng.

Năm chục người theo mẹ về núi, năm chục người theo cha xuống biển, chia nhau mà thống trị những xứ đó, đó là thủy tổ của các nhóm Bách Việt.

Đường Lạc Long Quân được xây dựng trên hệ thống đê cổ xưa

Đường Lạc Long Quân ngày nay thuộc quận Tây Hồ và quận Cầu Giấy, Hà Nội, có chiều dài 4.000m, rộng 10m, nối từ ngã ba Nhật Tân - Phú Xá, qua Xuân Tảo, Trích Sài, Bái Ân đến Chợ Bưởi, qua trụ sở UBND quận Tây Hồ. Các tuyến phố cắt ngang qua là đường Hoàng Hoa Thám, Xuân La, Nguyễn Hoàng Tôn, An Dương Vương, Âu Cơ….Cùng với đường Âu Cơ thì Đường Lạc Long Quân cũng được xây dựng trên hệ thống đê cổ xưa.

Nói về con đê này, một số người dân sống tại làng Thụy Khuê cho biết:

 

Lạc Long Quân là con đường duy nhất tại Thủ đô được trồng, trang trí bằng rất nhiều cây hoa đào rừng hoặc giống Nhật Tân ở dải đất phân cách hai làn đường. Các cây hoa được trồng san sát nhau, kéo dài từ đoạn giao cắt với đường Bưởi đến ven đê sông Hồng.

Theo những người dân ở đây cho biết: "Toàn bộ tuyến đường Lạc Long Quân có khoảng hơn 300 cây đào, chủ yếu là giống đào Nhật Tân và đào rừng được mua giống từ trên Sa Pa, Lào Cai".

So với khu trồng đào xưa thì nay số lượng cây đào đã được di chuyển khá nhiều để giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố. Ông Nguyễn Văn Hiếu một người dân ở đây chia sẻ:

 

Đường Lạc Long Quân nay đã được mở rộng. Cầu Nhật Tân xây dựng xong, có con đường xuyên suốt từ đường Hoàng Quốc Việt qua làng Nghĩa Đô, qua cánh đồng Bái Ân, Xuân La, Xuân Đỉnh tới cầu. Đường rộng, hai bên là phố phường sầm uất, xe cộ đi lại tấp nập.

Và theo dự kiến quy hoạch đến năm 2020, đường Lạc Long Quân sẽ là giới hạn phía Đông của trung tâm đồ sộ phía tây Thủ đô bao gồm “trung tâm tài chính – thương mại – giao dịch quốc tế – chính trị – hành chính mới của Hà Nội”.

Giờ đây, chỉ đi trên đường Lạc Long Quân, thấy Hồ Tây bát ngát, bốn phía nhà cao tầng trập trùng cũng có thể hình dung ra được, thủ đô đang ngày càng lớn đẹp cùng với thời gian.

Đường Lạc Long Quân ngày Tết tràn ngập hoa

Những ngày mùa thu mát trời, thong thả ghé thăm hàng bánh rán mặn ngõ Lạc Long Quân, lấy số xếp hàng chờ thưởng thức món ngon gia truyền 30 năm cũng là một trải nghiệm thú vị.

Hàng bánh ránh chỉ bán từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối. Quán nằm ngay cổng đền thờ bà chúa nghề dệt lụa, bà Phan Thị Ngọc Đô, nếu không nhớ địa chỉ chỗ này thì bạn chỉ cần đi loanh quanh hỏi lối xuống đền thì người dân ai cũng biết.

Quán bánh nhỏ mà có tới năm nhân viên phục vụ, người trộn bột, người nặn bánh, người trông bếp, người rót trà, tính tiền...Điểm nổi bật nhất khiến mọi người nhớ đến hàng bánh rán là... 6 chiếc chảo to cỡ lớn nối tiếp nhau, 1 chiếc bánh phải chao qua dầu sôi 4-5 lần mới "đạt chuẩn".

Kể cũng lạ, chẳng riêng gì hàng bánh rán nức tiếng khu Tây Hồ này, khắp Hà Nội có hàng trăm chỗ bán đồ ăn theo kiểu muốn thưởng thức là phải xếp hàng.

Toàn tiệm gia truyền trứ danh như phở Bát Đàn, mì vằn thắn Nguyễn Biểu hay bún ốc Nguyễn Siêu... Có nhiều yếu tố để người Hà Nội sẵn sàng mỏi chân đứng chờ, đi xa vài chục cây số để ăn một bát bún bát phở rồi đứng dậy đi về, thậm chí đồ ăn còn đắt gấp đôi gấp ba chỗ khác, nhưng họ vẫn hài lòng bởi họ thấy xứng đáng.

Cái thú sành ăn của dân Hà thành, là vậy đó. Bất kể là món "sang chảnh" hay là món vỉa hè, chỉ cần họ tinh ý ăn thử thấy ngon, và "lịch sử ra đời" của món đó nhiều ý nghĩa, thì chắc chắn hàng quán chỗ đó sẽ đắt khách và khách hàng luôn sẵn sàng, thoải mái với việc xếp hàng chờ đợi.

Bánh rán mặn ngõ Lạc Long Quân hội tụ đủ 2 điều cơ bản là ngon, và lâu đời. Có lẽ vì tấm lòng thảo thơm và tâm huyết bỏ vào món bánh dân dã mà biết bao thế hệ người Hà Nội, nhất là quanh mạn hồ Tây, đều yêu mến hàng bánh gần 30 năm tuổi đời này, ghé qua ăn và kiên nhẫn đứng đợi mà chẳng phàn nàn gì.

Có gia đình cả 4 thế hệ, gần như chiều nào cũng tới ngồi ăn, hôm nào quá đông thì xếp hàng chờ mang về. Rồi có những người ở tận Long Biên, Hà Đông... nghe tiếng cũng lặn lội đi cả vòng thành phố, đánh ô tô đến ăn một bát bánh con con. Rồi các mẹ chở con đi học về ghé qua mua bánh lót dạ, lũ trẻ tò mò hỏi han ríu rít như đàn chim non. Cây ngọc lan bắt đầu nở hoa thơm ngát, chiều quanh đây thật yên bình.

Đó chính là một trong những góc nhỏ bình yên, đáng mến và gần gũi với đời sống của người dân mà chúng ta luôn muốn dừng chân lâu hơn một chút trên hành trình khám phá Hồ Tây.