Đừng vô tình tạo thêm áp lực cho con trẻ

Sau mùa thi là “mùa khoe điểm, giấy khen”. Việc phụ huynh khoe điểm số, giấy khen của con lên mạng xã hội năm nào cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi có việc đăng ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội tưởng vô hại nhưng vô tình tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt.

Khi năm học kết thúc, cũng là lúc các trang mạng xã hội dậy sóng bởi hằng hà sa số các hình ảnh tổng kết, giấy khen, bảng điểm mà các bậc làm cha làm mẹ muốn “chia sẻ với” cộng đồng. Ngoại trừ một số ít muốn lưu giữ lại kỷ niệm thì phần lớn muốn khoe con mình cũng chẳng kém cạnh ai.

Việc đăng hình ảnh, trạng thái về thành tích, kết quả học tập của các con đã xuất hiện nhiều năm qua và có xu hướng năm sau nhiều hơn năm rước. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng đó là việc làm bình thường, thậm chí là tốt, việc chia sẻ thành công của con là tạo động lực cho con, đồng thời cũng là niềm hãnh diện chính đáng của bố mẹ.

Thích khen và thích động viên cũng là tâm lý chung của mọi người.

Ảnh nh họa 

Ở góc nhìn ngược lại, một số quan điểm lại cho rằng các con, các cháu hầu hết không biết gì về việc cha mẹ đăng tải kết quả học tập của mình lên mạng xã hội. Nói một cách khác thì hành động ấy đơn thuần xuất phát từ nhu cầu cá nhân của các phụ huynh, như muốn chứng nh cho thế giới thấy sự thành công của bản thân khi đang nuôi dưỡng những “thần đồng toàn điểm 10”.

Khen thưởng, động viện, khích lệ là điều nên làm nhất là trong quá trình nuôi dưỡng, dạy bảo con trẻ. Tuy nhiên việc khen thưởng, động viên, khích lệ cần được thể hiện một cách khéo léo, đúng mực để trẻ biết trân quý sức lao động của bản thân lẫn sự quan tâm của gia đình hơn là gián tiếp phải chịu thêm áp lực của “dân cư mạng”.

Việc phụ huynh quá siêng năng post bài, đăng tải hình ảnh công khai về thành tích học tập của con mình lên mạng xã hội có thể khiến các em gặp nhiều hệ lụy kém tích cực. Những bảng kết quả toàn điểm 10 rất dễ khiến trẻ có tâm lý tự mãn, chủ quan, thiếu nỗ lực cố gắng. Hàng loạt danh hiệu học sinh giỏi theo số đông, theo phong trào cũng sẽ dễ dàng khiến trẻ rơi vào trạng thái ngộ nhận về năng lực thực sự của mình mà lơ là mục tiêu tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho bản thân.

Không chỉ vậy, không ít học sinh đã phải chịu áp lực nặng nề vì hành động “khoe điểm, khoe thành tích” của cha mẹ mình. Các con vô tình phải tự ép mình vào trạng thái hoàn hảo dù đôi khi vượt quá khả năng bản thân. Và trong giai đoạn có nhiều thay đổi về thể chất lẫn tâm lý, không ít em đã rơi vào trạng thái “bị bỏ rơi” khi không được điểm 9 điểm 10 hay chỉ được xếp loại khá.

Một trong những hệ lụy khác đến từ việc cha mẹ công khai hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội chính là nguy cơ các đối tượng xấu có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội như bắt cóc tống tiền, lừa đảo hoặc xâm hại trẻ em…

Những ngày gần đây, cũng từ mạng xã hội, câu chuyện về 1 người cha có con đang học một trường trung học cơ sở ở Đà Nẵng đã mạnh dạn đứng lên phát biểu giữa buổi họp phụ huynh cuối năm rằng “Con chúng ta giỏi nhưng chưa giỏi, cha mẹ hãy tỉnh lại, bớt ảo tưởng đi, đừng tự sướng nữa!”. Chỉ có 1 phụ huynh khác bày tỏ sự đồng tình, hầu hết chọn cách im lặng.

Không thể phủ nhận rằng nhận định của vị phụ huynh kia hoàn toàn có cơ sở, nếu không muốn nói là phản ánh đúng thực tế việc dạy và học hiện nay, hay nói cách khác là biểu hiện rõ nét nhất của căn bệnh trầm kha mang tên thành tích. Bởi trên thực tế, không khó để chỉ ra khiếm khuyết về kỹ năng sống, khả năng giao tiếp, tinh thần vượt khó…đằng sau những danh hiệu học sinh giỏi hay những bảng điểm toàn 9 toàn 10.

Trẻ con là hình ảnh phản chiếu rõ nét nhất cho cách sống của cha mẹ chúng, do đó thay vì chạy theo trào lưu, số đông khoe thành tích của con trên mạng xã hội thì các bậc làm cha làm mẹ cũng cần tỉnh táo, đánh giá chính xác kết quả học tập, năng lực của con mình.

Nếu cần thiết, nên thường xuyên phối hợp, đóng góp, xây dựng cũng như phản biện với phương pháp giáo dục của giáo viên của nhà trường từ đó nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực dạy, thực học./.