Dừng thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ từ ngày 1/4/2020

Thời gian thí điểm trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018), quá nhiều bất cập, mâu thuẫn giữa Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước.

Sau 1/4, doanh nghiệp, HTX, đơn vị cung cấp phần mềm chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp

Từ 1/4, dừng thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, Thành phố. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa hướng dẫn yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020.

Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán phù hiệu cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 36 Nghị định 10. Nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe tải, các đơn vị phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định của Nghị định 10.

Đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trước đây thị trường kinh doanh vận tải xuất hiện loại hình xe kết nối vận tải hành khách thông qua phần mềm ứng dụng nên Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định 24/2016-QĐ-BGTVT cho phép thí điểm.

Sau thời gian thí điểm đã có hành lang pháp lý mới là Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Vì vậy, việc dừng thí điểm là để thực hiện theo quy định mới là Nghị định 10.

Trước đó, ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cho phép Công ty TNHH GrabTaxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Thời gian thí điểm trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Tuy nhiên, không bao lâu sau khi việc thí điểm được thực hiện, quá nhiều bất cập mà Grab gây ra đã tạo ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước.

Tới đây, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải có thể được gắn Tem kiểm định có màu sắc riêng (Ảnh: baogiaothong)

Gắn tem đăng kiểm có màu sắc riêng cho ô tô kinh doanh vận tải

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa ký văn bản yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ của Bộ được giao tại Nghị định 10 của Chính phủ quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ); trong đó có nội dung cần bổ sung trong thông tư mới đó là quy định về “Tem kiểm định ô tô kinh doanh vận tải có màu sắc riêng để phân biệt với loại xe khác”.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất triển khai nội dung liên quan đến đăng kiểm trong tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) chủ trì hoàn thiện dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải quy định tổ chức về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng xe ô tô để thay thế các thông tư hiện hành.

Bộ Giao thông Vận tải giao Trung tâm công nghệ thông tin của Bộ phối hợp đề xuất triển khai các nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải, bến xe, dịch vụ hành chính công phục vụ cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu xe kinh doanh vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương chủ động triển khai đến các cơ quan chuyên môn, địa phương cấp huyện trên địa bàn, đơn vị vận tải, bến xe, hội nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện đúng quy định của nghị định; nghiên cứu và gửi ý kiến góp ý xây dựng dự thảo thông tư về tổ chức, thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền rộng rãi Nghị định 10 trước ngày nghị định có hiệu lực (1/4/2020). Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chủ động tuyên truyền đến các hiệp hội thành viên và đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 10

Nghị định số 10 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Chính phủ ban hành đầu năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020, Nghị định này thay thế Nghị định số 86./.