Đừng 'ngáng đường' lối đi của sự tử tế

Khát khao sự tử tế không đồng nghĩa với việc lợi dụng sự tử tế để câu view và xâm phạm đời tư của người tốt. Lòng tốt cần được lan tỏa, nhưng đừng cho mình quyền gây áp lực cho người làm làm việc tốt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Anh Nguyễn Ngọc Mạnh

Trong một lần tìm tới phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức để gặp gỡ cụ ông Vương Văn Kính hơn 10 năm giúp Sài Gòn đỡ ngập bằng việc tình nguyện trầm mình dưới dòng nước đen, khơi thông rác ở ống cống, chúng tôi đã bị cụ từ chối trả lời phỏng vấn.

Cụ chia sẻ “Từ sau khi lên báo, người ta bảo tôi là thích nổi tiếng; nhiều người cho rằng tôi rảnh việc. Cuộc sống bị người ta ngó nghiêng, đảo lộn hết”.

Với những người như cụ Kính, tử tế, vốn dĩ chẳng phải điều gì lớn lao, để soi xét.

Chuyện về “người hùng” Nguyễn Ngọc Mạnh trong gang tấc đỡ em bé rơi từ tầng 12 chung cư ở Thanh Xuân, Hà Nội đã khuấy động dư luận mấy ngày gần đây. Ở vào giây phút sinh tử, lòng trắc ẩn của chàng thanh niên làm nghề lái taxi chở hàng đã trỗi dậy.

Với anh, đó là việc “bình thường” và “ai trong hoàn cảnh tôi chắc cũng làm thế”.

Người cảm phục, người tán dương. Nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ hình ảnh của anh với những lời ngợi ca không ngớt.

Nhưng cũng từ những “anh hùng bàn phím”, chỉ chưa đầy hai ngày, một video ghi lại quá trình cứu em bé đã được đưa lên, gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả những lời mỉa mai. Tung hê, rồi lại hạ bệ.

Cũng không ít người muốn đến nhà gặp anh để tặng quà, ủng hộ tiền, chia sẻ.

Với anh Mạnh, thời khắc đó, chắc anh không nghĩ được nhiều như dư luận đang mổ xẻ. Và cũng chẳng thể nghĩ mình sẽ là “người hùng”.

Trong lúc, nhiều người vẫn mải mê xoay góc này, phân tích góc kia của camera, thì em bé còn đang nằm viện điều trị, và anh Mạnh đã phải quay lại cuộc sống đời thường với cơm áo gạo tiền.

Trong một xã hội, khi bạn ngã xe, rất ít người quan tâm đỡ bạn dậy. Khi bạn bị móc túi, dù có tri hô, cũng có người bỏ mặc bạn. Và dù bạn gặp hiểm nguy, vẫn còn có những người rất bàng quan.

Xã hội đó, rất cần sự tử tế. Nhưng khát khao sự tử tế không đồng nghĩa với việc lợi dụng sự tử tế để câu view và xâm phạm đời tư của người tốt. Lòng tốt cần được lan tỏa, nhưng đừng cho mình quyền gây áp lực cho người làm làm việc tốt.

Việc tử tế không cần phải lăng xê. Việc tử tế cũng cần được nuôi dưỡng. Và xin hãy đừng “ngáng đường” lối đi của sự tự tế, vốn dĩ đã hiếm hoi giữa đời thường.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: