Đừng làm cách phi thị trường, nếu muốn có thị trường đăng kiểm

Việc mở rộng đối tượng cung cấp bất kỳ một loại dịch vụ nào, về lý thuyết đều là cần thiết để tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Song, cần tính đến biện pháp mở rộng đó có phù hợp, có đủ sức thu hút đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ hay không, bởi nếu không thực hiện hoặc thực hiện nửa vời cơ chế thị trường, khó có thể đạt mục tiêu như mong muốn.

Việc các trung tâm bảo dưỡng xe không mặn mà với dịch vụ đăng kiểm dù quy định pháp luật đã mở, cho thấy đang có vấn đề ở cách thức mời gọi đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực này.

Về lý thuyết, khi cơ hội đã có nhưng doanh nghiệp không tham gia, thì hoặc đối tượng được mời gọi đầu tư không coi đó là cơ hội, hoặc đó không thực sự là cơ hội.

Đối với các đại lý bảo dưỡng 3S của các hãng lớn, hoạt động của các cơ sở này nằm trong chiến lược kinh doanh của hãng. Doanh nghiệp – đặc biệt là các hãng lớn, chiến lược kinh doanh rất rõ ràng, với phạm vi lĩnh vực hoạt động đã được xác định và có lộ trình từng bước, không phải vì lợi nhuận hoặc sự mời gọi nhất thời nào đó mà họ mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Do đó, nếu có cơ hội lợi nhuận, nhưng không phù hợp chiến lược của doanh nghiệp, thì đương nhiên, họ không mặn mà.

Chi phí tăng, điều kiện tăng, nhưng giá cả dịch vụ lại phải theo sự quản lý của Nhà nước. Điều đó khiến lời mời gọi đầu tư đăng kiểm không được coi là cơ hội đối với các trung tâm bảo dưỡng xe (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Thứ hai, ở góc nhìn của quản lý nhà nước, đăng kiểm có thể là một cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận, nhưng từ góc nhìn của doanh nghiệp, với tất cả các cân đối về đầu tư và lợi nhuận, thì chưa hẳn đó là cơ hội. Khi doanh nghiệp tham gia, quy luật của thị trường phải được tôn trọng.

Nhà nước có thể quản lý về chất lượng đầu ra của dịch vụ, và sử dụng các công cụ để đảm bảo dịch vụ đặc biệt này được cung ứng ổn định, tránh các cú sốc gây đứt gãy, khủng khoảng, nhưng đối với các yếu tố đầu vào (bao gồm dây chuyền đăng kiểm, chất lượng nguồn nhân lực) và giá cả đầu ra, phải theo quy luật của thị trường, sự quản lý chỉ nên dừng lại ở mức đủ bảo vệ người tiêu dùng không bị o ép giá.

Nhưng với việc quy định đăng kiểm viên phải có bằng cấp theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp đầu tư làm đăng kiểm sẽ phải thay thế, bổ sung hoặc đầu tư cho đào tạo để có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu, trong khi về năng lực chuyên môn thợ kỹ thuật, điều đó không thực sự cần thiết.

Chưa kể, chi phí tăng, điều kiện tăng, nhưng giá cả dịch vụ lại phải theo sự quản lý của Nhà nước. Điều đó khiến lời mời gọi đầu tư đăng kiểm không được coi là cơ hội đối với các trung tâm bảo dưỡng xe.

Ở góc độ mục tiêu quản lý nhà nước, việc ban hành quy định mở rộng đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ đăng kiểm nhằm giải quyết câu chuyện quá tải cục bộ, tăng sức cạnh tranh để nâng cao chất lượng dịch vụ, điều đó phù hợp chức năng và mục tiêu quản lý.

Nhưng câu chuyện của thị trường phải làm theo cách của thị trường. Sự tham gia của nhà nước chỉ nên dừng lại ở việc quản lý chất lượng đầu ra và đảm bảo tính ổn định trong cung ứng  một dịch vụ có tính chất đặc biệt.

Xã hội hóa đăng kiểm nên được tư duy theo cách khác, chứ không phải theo cách trưng cầu, trưng tập các cơ sở có thể làm đăng kiểm để “chữa cháy” tức thì (Ảnh: Toyota)

Muốn kêu gọi được sự tham gia của các nguồn lực xã hội, thì mục tiêu của nhà nước phải gặp được nhu cầu về lợi ích của nhà đầu tư. Các điều kiện của quản lý nhà nước đặt ra phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà đầu tư. Các chính sách về lợi nhuận phải đủ hấp dẫn.

Để các yếu tố này có thể gặp được nhau, cần sự khảo sát, đánh giá của một đơn vị tư vấn độc lập, trên cơ sở nghiên cứu thị trường, từ đó đưa ra dữ liệu phục vụ tư vấn chính sách, xem đâu là những nhà đầu tư tiềm năng, hoặc với điều kiện nào thì có thể thu hút. Đối tượng thu hút có thể là bất kỳ nhóm chủ thể nào, ễn đáp ứng đủ điều kiện là có thể tham gia, không riêng các cơ sở bảo dưỡng xe.

Trong trường hợp này, chính sách về việc thu hút các cơ sở bảo dưỡng xe tham gia làm dịch vụ đăng kiểm chưa đáp ứng được các yêu cầu nói trên. Khi chính sách thu hút đầu tư chỉ xuất phát từ mong muốn của nhà quản lý, hay nói cách khác, một lĩnh vực của thị trường được thu hút đầu tư theo cách phi thị trường, thì lĩnh vực đầu tư bị “ế” là điều tất yếu.

Hơn nữa, trong tiếp cận giải pháp, cũng không nên tích hợp giữa một giải pháp mang tính “chữa cháy” với một giải pháp phục vụ mục tiêu dài hạn. Câu chuyện xã hội hóa đăng kiểm nên được tư duy theo cách khác, chứ không phải theo cách trưng cầu, trưng tập các cơ sở có thể làm đăng kiểm để “chữa cháy” tức thì.