Đừng bỏ qua giai đoạn "vàng" phát triển thể chất

Vấn đề thiếu đội ngũ giáo viên hay cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất có thể từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giáo dục thể chất thì điều quyết định là ở tư duy, nhận thức về môn học này.

Đặc biệt với lứa tuổi học sinh phổ thông thì "Giáo dục đừng bỏ qua giai đoạn "vàng" phát triển thể chất".

Điều 2 Nghị định 11 Quy định về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường đã nêu rõ: “Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Như vậy, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nên không có khái niệm môn học phụ hay môn học chính. Mục tiêu và nội dung của giáo dục thể chất trong nhà trường cũng đã được thiết kế hợp lý, khoa học dựa trên khảo sát thực tế và các đóng góp chuyên môn.

Do đó, yếu kém trong giáo dục thể chất có lẽ nằm ở việc triển khai thực hiện, khi có chương trình đúng nhưng quá trình dạy và học chưa đúng.

Ảnh nh hoạ

Mà cái chưa đúng đầu tiên là nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục thể chất, thể thao trường học; trước hết là ngay trong ngành giáo dục. Từ chỗ là "môn phụ", cần nhìn nhận về môn học này có vai trò quan trọng, là hoạt động vận động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi học sinh và các thầy cô giáo.

Ở mỗi nhà trường, không phân biệt mô hình công lập hay dân lập, phải phải coi đây là một môn học cần sự đầu tư thích đáng từ đội ngũ giáo viên cho đến cơ sở vật chất. Đối với xã hội, càng cần có những thay đổi nhận thức về môn học giáo dục thể chất khi môn học này giúp nâng cao thể trạng cho các em, là tiền đề để có được các thế hệ trẻ khỏe mạnh, năng động, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Hơn thế, trong bối cảnh internet và các trò chơi điện tử phát triển nở rộ và có sức hấp dẫn to lớn với học sinh, nếu giáo dục không có định hướng và ưu tiên giáo dục thể chất thì việc các em dành nhiều thời gian hơn cho các thú vui trên mạng hơn là rèn luyện sức khỏe tất yếu sẽ diễn ra.

Và lâu dần sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thể trạng, sức khỏe của thế hệ trẻ, gây mất cân đối giữa phát triển trí tuệ, thể chất và nhân cách học sinh.

Ảnh nh hoạ

Hiện, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới đều rất chú trọng đầu tư cho môn thể dục-thể chất ở mọi cấp học. Thời lượng tiết học của môn thể dục lên đến 4-5 tiết/ tuần, với các hình thức, phương tiện, sách vở, tài liệu... rất đầy đủ cho người học và người dạy; những học sinh giỏi thể thao được tuyển thẳng vào đại học, ễn giảm học phí…Điều này giúp việc giáo dục thể dục, thể thao và thể chất con người đều đạt được mục tiêu.

Trong khi, thể chất của người Việt vốn “thấp bé, nhẹ cân” nhưng giáo dục thể chất học đường lại đang bị xem nhẹ. Đã đến lúc cần sự thay đổi tích cực hơn ở các hoạt động này để học sinh không cảm thấy sợ, thấy ngại học mà thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất, từ đó trở thành đam mê, sở thích của các em.

Giáo dục thể chất đã đến lúc cần hướng tới đối tượng học sinh sao cho đúng hướng, đúng bản chất và có lợi nhất chứ không thể kéo dài tình trạng thiếu lửa, thiếu chất như hiện nay.