Đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã đề xuất bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tại Luật giá sửa đổi.

Nguyên nhân là do sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Và theo dự luật, Bộ GD-ĐT sẽ là đơn vị quy định giá tối đa cho mặt hàng này. Để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

 

PV: Ông có nhận định như thế nào về việc SGK được đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tại Luật giá sửa đổi?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Có thể nói là chủ trương đưa SGK vào thành một mặt hàng mà nhà nước định giá, là một chủ trương đúng. Nó sẽ giúp cho giá sách đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu của xã hội, và cái khả năng thanh toán của người dân, cũng như là tránh lãng phí xã hội.

Hơn nữa, đây cũng là một hình thức để mà ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm. Chúng ta cũng cần lưu ý là sách giáo khoa đưa vào diện bình ổn giá, là những SGK trong cái diện học ở chương trình chính thức của nhà trường. Thế còn những sách tham khảo thì có thể đắt hơn, hoặc là nó đa dạng hơn thì tùy theo cái nhu cầu.

 Ảnh nh họa: Diễn đàn doanh nghiệp

PV: Việc định giá SGK được cho là sẽ ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của các nhà xuất bản, vậy theo ông, liệu nó có thể dẫn đến việc, các bên liên quan sẽ giảm bớt động lực trong việc xây dựng sách giáo khoa có chất lượng cao?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Có thể có sự xung đột lợi ích giữa người chọn sách và phát hành sách với xã hội. Nhưng chúng ta lưu ý là đầu tư c cho giáo dục là đầu tư phát triển, vì lợi ích của đất nước cũng như là của thế hệ trẻ. Thứ hai nữa là có rất nhiều cơ chế để kiểm soát cái tình trạng lạm dụng, và không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người phát hành.

Cụ thể là chúng ta sử dụng cái phương pháp đấu thầu và phương pháp định giá, dựa trên thẩm định giá. Và như vậy chúng ta sẽ có được một cái mức giá hợp lý và đảm bảo, vừa bù đắp được chi phí, vừa đáp ứng được cái nhu cầu kiểm soát giá. Vì thế sẽ không sợ xảy ra cái tình trạng mà ai đó sẽ bỏ cuộc hoặc là làm ảnh hưởng tới chất lượng của SGK.

PV: Bên cạnh việc quản lý giá SGK, theo ông cần những cơ chế nào khác để có thể vừa đảm bảo chất lượng SGK, vừa có thể giúp những đối tượng khó khăn có thể tiếp cận sách dễ dàng?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Cần có hai cơ chế, một là cơ chế thị trường theo cái hướng là đưa ra các gói đấu thầu, với các yêu cầu về chất lượng và giá cả phù hợp, sau đó là tìm những người cung ứng đảm bảo yêu cầu, và có những chế tài để xử lý vi phạm, thì chắc chắn đây là một phương án rất là tốt để giúp cho vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo được giá cả của sách giáo khoa trong việc quản lý.

Còn đối với người nghèo, ví dụ vùng ền núi, vùng sâu, vùng xa thì chúng ta sẽ có những cơ chế, ví dụ như sử dụng quay vòng sách chứ không phải là mỗi năm hủy đi một lần như trước đây. Thì điều này nó sẽ giúp cho giảm chi phí, cũng như giảm các khó khăn trong tiếp cận sách giáo khoa ở các cái đối tượng khó khăn.

Xin cảm ơn ông.