Đưa hàng Việt đến với công nhân

VOVGT – Vụ thị trường trong nước vừa chủ trì cuộc họp Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại các KCN…

Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, số công nhân viên chức lao động của cả nước vào khoảng 20 triệu người, trong đó, 10,5 triệu là đoàn viên công đoàn. Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa. Hiện các cấp công đoàn trên cả nước đã ký kết hơn 1 ngàn thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung cấp sản phẩm như xăng, dầu, gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu…

Ngày 15/8, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương đã chủ trì cuộc họp Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tham dự có đại diện Ban tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công thương Việt Nam và một số doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, bán lẻ hàng Việt Nam như Lotte Mart, Big C, Hapro Mart, Intimex…

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công thương và Vụ Thị trường trong nước, đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ triển khai đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, khu chế xuất, đến tay người lao động. Các hoạt động này được thực hiện thông qua những chương trình như Đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, Điểm bán hàng Việt trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, chương trình do một số doanh nghiệp sáng kiến thông qua các tổ chức công đoàn cũng diễn ra rất sôi nổi, phong phú. Cụ thể, chương trình tổ chức điểm bán hàng cố định với mô hình siêu thị công đoàn được đẩy mạnh ở những vùng có đông khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai hay thành phố Hồ Chí Minh. Còn ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, phong trào diễn ra mạnh với sự tham gia tích cực của những doanh nghiệp như Tổng Công ty thương mại Hà Nội – Hapro, Lan Chi… hay nhiều đơn vị tiêu thụ nông sản khác. Theo thống kê, mỗi năm có hơn 300 chuyến hàng Việt về địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, số công nhân viên chức lao động của cả nước vào khoảng 20 triệu người, trong đó, 10,5 triệu là đoàn viên công đoàn. 

Theo ông Tiêm, đây là thị trường có tiềm năng rất lớn về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa. Hiện các cấp công đoàn trên cả nước đã ký kết hơn 1 ngàn thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung cấp sản phẩm như xăng, dầu, gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu… để đem hàng hóa đến tận tay công nhân lao động. Theo tổng kết, có khoảng 2,3 triệu đoàn viên công đoàn được hưởng lợi từ những chương trình này.

Về phía doanh nghiệp bán lẻ, ông Phạm Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam cho biết, đơn vị này hiện có một số siêu thị ở Hưng Yên, Hải Dương với rất nhiều khách hàng là công nhân. Vào những ngày lĩnh lương, từ mùng 10 đến 15 hàng tháng, nhiều anh chị em công nhân thường đến mua hàng tại hệ thống siêu thị của Intimex.

Đóng góp ý kiến để chương trình có thể phát huy hiệu quả cao nhất, ông Thái bày tỏ: “Tôi nghĩ đây là một dự án rất hay. Tuy nhiên, chúng ta cần bàn giải pháp phù hợp để chương trình có thể hoạt động lâu dài. Muốn đồng hành cùng chương trình lớn như thế này thì làm sao để doanh nghiệp có đủ sức. Chúng tôi rất mong có chính sách nào đó cho doanh nghiệp bán lẻ để giúp người lao động mua được hàng Việt Nam với giá cạnh tranh nhất”.