Dự thảo sửa đổi Luật GTĐB chỉ còn 3 loại hình kinh doanh vận tải: Luật sư nói gì?

Luật hiện hành phân chia thành 5 nhóm vận tải (kinh doanh xe khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt). Quy định này dẫn tới một số hạn chế trong quản lý nhà nước, đặc biệt là “xe dù, bến cóc”, xe chở khách trá hình (như hình thứ

Ảnh nh hoạ

Qua 12 năm thực hiện, Luật GTĐB năm 2008 đã tạo được hành lang pháp lý quan trong để điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động giao thông đường bộ, góp phần quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm TTATGT. Tuy nhiên, trong việc quản lý vận tải đến nay vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, khiến vấn nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình diễn ra rất phức tạp. 

Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 117 của Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đã phân loại lại các loại hình vận tải để đảm bảo phân định rõ, không bị chồng lấn giữa các loại hình vận tải, giảm bớt các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi rút từ 5 loại hình vận tải xuống còn 3 loại hình gồm: xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng. 

Trong đó, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt là loại hình kinh doanh vận tải công cộng sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên hoạt động theo tuyến, lịch trình và các điểm dừng đón, trả khách được xác định trước gồm:

Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có toàn bộ hành trình nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến xe buýt nội tỉnh không bắt buộc phải là các bến xe;

Tuyến xe buýt liên tỉnh là tuyến xe buýt có điểm xuất phát và điểm kết thúc của tuyến tại bến xe và có hành trình nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

(Loại hình này được gộp từ 2 loại hình vận tải có cùng tính chất (tuyến, biểu đồ chạy xe và lộ trình ổn định) được quy định tại Điều 66 của Luật GTĐB năm 2008).

Ảnh nh hoạ

Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của hành khách, phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn theo một trong các phương thức sau:

Tiền cước được tính thông qua đồng hồ tính tiền;

Tiền cước được tính qua phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử;

Tiền cước được tính trọn gói trên cơ sở cự ly chuyến đi và thời gian vận chuyển.

(Loại hình này bao gồm vận tải hành khách bằng xe taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe 9 chỗ vì có cùng bản chất dịch vụ được quy định tại Điều 66 của Luật GTĐB năm 2008).

Ảnh nh hoạ

Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là loại hình kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (bao gồm cả người lái xe) để thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

(Loại hình này được ghép từ 2 loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch được quy định tại Điều 66 của Luật GTĐB năm 2008. Việc quy định sức chứa ô tô từ 9 chỗ trở lên nhằm tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất (xe taxi và ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng).

Để làm rõ vấn đề trên PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty Luật Phạm Danh, ông khẳng định quy định này hoàn toàn phù hợp với hoạt động kinh doanh vận tải thực tế hiện nay. Việc phân loại 3 loại hình kinh doanh vận tải gồm xe buýt, xe taxi và xe hợp đồng sẽ giải quyết được một số hạn chế trong quản lý nhà nước về tình trạng xe dù, bến cóc và những xe hình thức khác như Limosine.

 

“Việc phân định loại hình kinh doanh vận tải sẽ dẫn tới việc chúng ta phải sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh cho phù hợp với từng loại hình kinh doanh vận tải. Và theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thay đổi giấy phép hoạt động phù hợp với loại hình hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung các cách thức tổ chức, hoạt động phù hợp với điều kiện của loại hình kinh doanh vận tải mới”.

Luật sư Phạm Thành Tài cũng nói thêm, việc đưa các loại hình có cùng tính chất hoạt động, cùng cách thức tổ chức quản lý điều hành và có cùng điều kiện kinh doanh sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc quản lý và tránh bị chồng chéo giữa hình thức vận tải và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Và từ đó sẽ dẫn tới việc đảm bảo thuận lợi hơn cho các đơn vị kinh doanh vận tải, cũng như là hành khách.