Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, có 9 chương, 71 Điều, gồm: những quy định chung; Hoạt động nghê nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Chức danh, chuẩn nhà giáo và chứng chỉ hành nghề và Điều khoản thi hành.
Cụ thể, dự thảo Luật Nhà giáo quy định áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đây là lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.
Về chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số, hoặc đang công tác tại ền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yếu tố riêng biệt gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo.
Đặc biệt, tại dự thảo Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo. Theo đó, Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
Cũng theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian kéo dài làm việc, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi nhà giáo có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Nhà giáo vừa Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và sẽ tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025.
THỎA MÃN NGUYỆN VỌNG 2 BÊN VÀ YÊU CẦU SỨC KHỎE
Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kéo dài thời gian làm việc với nhà giáo có chức danh tiến sĩ, giáo sư? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật.
PV: Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo lại đề xuất kéo dài thời gian làm việc của lao động có chất lượng cao?
TS Vũ Minh Đức: Theo quy định của Bộ Luật Lao động, các ngành nghề đặc biệt có thể được kéo dài không quá 5 năm. Trước đây Nghị định 141 của Chính phủ đã quy định giáo viên, giảng viên có trình độ tiến sĩ thì được kéo dài 5 năm, giảng viên có học hàm phó giáo sư được kéo dài 7 năm và giảng viên có học hàm giáo sư được kéo dài 10 năm.
Trong quá trình thực hiện Nghị định 141 thì các cơ sở giáo dục đại học đều thấy như thế là rất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu tranh thủ, tận dụng được trí tuệ của đội ngũ nhà giáo nhiều kinh nghiệm và có trình độ cao, đặc biệt trong công tác đào tạo, phát triển đội ngũ kế cận cho các nhà trường, cũng như việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học.
Tuy nhiên, năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định 50, trong đó có quy định tất cả các nhà giáo dù có trình độ giáo sư hay phó giáo sư hay tiến sĩ thì đều được nghỉ hưu sau không quá 5 năm. Điều này cũng gây ra rất nhiều tâm tư đối với các nhà giáo có trình độ cao và bản thân các trường Đại học cũng có phản ánh đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì như vậy có thể tạo ra sự hụt hẫng về đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, đặc biệt là việc đào tạo cho đội ngũ kế cận.
Đặc biệt, năm 2023, Trung ương có Nghị quyết 45 về phát triển đội ngũ trí thức, và trong nghị quyết 45 có quy định nghiên cứu tuổi nghỉ hưu hợp lý cho đội ngũ trí thức có trình độ cao.
Trên cơ sở các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn như vậy thì Ban soạn thảo dự kiến trong Luật lần này sẽ quy định thời gian kéo dài tuổi nghỉ hưu, giảng viên có trình độ tiến sĩ được kéo dài 5 năm, giảng viên có học hàm phó giáo sư thì được kéo dài 7 năm và người có học hàm giáo sư được kéo dài 10 năm.
PV: Bộ Giáo dục và Đào đã có thống kê số lượng lao động có trình độ cao như vậy hay chưa và nếu đề xuất kéo dài thì đối với những trường hợp nào, hay xuất phát từ nhu cầu của nhà trường, hay của người lao động?
TS Vũ Minh Đức: Đối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có số liệu thống kê đối với đội ngũ giảng viên có trình độ cao.
Tất cả những dữ liệu này chúng tôi đang sử dụng cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc kéo dài thời gian làm việc phải thỏa mãn 2 điều kiện: một là nhà giáo có nguyện vọng; thứ hai là cơ sở giáo dục có nguyện vọng và nhà giáo phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn sức khỏe… để có thể tiếp tục công việc của mình và các nhà giáo kéo dài thì chỉ làm công việc chuyên môn, không làm công tác quản lý.
Những điều kiện như này đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào đề xuất này?
TS Vũ Minh Đức: Việc quy định trong luật là thể chế hóa chỉ đạo của Đảng về chính sách đối với đội ngũ trí thức và mình tranh thủ được đội ngũ trí thức có trình độ cao để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thứ hai, việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đội ngũ trí thức có trình độ cao cũng như của các cơ sở đào tạo trong việc phát huy trình độ, năng lực của đội ngũ nhà giáo này, đồng thời cũng góp phần đào tạo đội ngũ kế cận, đặc biệt trong việc mở ngành học mới, cũng như việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo những ngành học mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
PV: Xin cảm ơn ông.
TUỔI NGHỈ HƯU ĐÃ TĂNG, KHÔNG NHẤT THIẾT KÉO DÀI 5 NĂM
Việc kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư, nếu trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội xung quanh nội dung này:
PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với lao động chất lượng cao như Tiến sĩ, phó gió sư và giáo sư. Ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo luật?
ĐBQH Trần Văn Thức: Theo tôi, việc lao động chất lượng cao được kéo dài thêm thời gian làm việc là cần thiết, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư luôn là tinh hoa của đất nước và ở độ tuổi như thế thì họ vẫn còn nhiều năng lượng để tiếp tục đóng góp, cống hiến.
Vì thế, nó được thể chế hóa trong Luật Nhà giáo là cần thiết và chính danh.
PV: Với những quy định trong dự thảo Luật thì đã đáp ứng được tính cấp thiết đó hay chưa và theo ông có cần bổ sung quy định gì hay không?
ĐBQH Trần Văn Thức: Dự thảo Luật Nhà giáo quy định độ tuổi làm việc của đội ngũ chất lượng cao thêm 5 năm, tương ứng với nữ là 65 và nam là 67, như thế là phù hợp và đồng đều như thế cũng là hợp lý.
Một điểm nữa là việc kéo dài thêm từ 5 năm đối với những người có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nó còn xuất phát từ hai phía, từ phía cơ quan có nhu cầu; thứ hai nữa từ các tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư cũng có nhu cầu, còn đang có những cống hiến, đóng góp.
Đó là sự thỏa thuận giữa hai bên và không nhất thiết phải bằng quyết định là 5 năm, mà cũng có thể họ sẽ có nhu cầu làm thêm 1 năm, hoặc 2 năm hoặc 3 năm, đó là tủy sự thỏa thuận giữa hai bên.
PV: Trước đây chúng ta đã từng thực hiện việc kéo dài thời gian làm việc của lao động chất lượng cao. Ông có nhận xét gì về hiệu quả của việc kéo dài thời gian làm việc của đội ngũ lao động này?
ĐBQH Trần Văn Thức: Tôi thấy đa số các tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư thì họ vẫn mong muốn tiếp tục được làm việc, được cống hiến.
Bởi vậy, theo tôi vì cái tuổi nghỉ hưu của chúng ta, cả nam và nữ đã được tăng tuổi nghỉ hưu lên rồi, cho nên quy định như thế là phù hợp và trên thực tế, đội ngũ này họ xác định được thời gian mình có thể đóng góp, cống hiến và chúng ta tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao của các ngành tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Theo ông, nếu quy định này trở thành hiện thực thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?
ĐBQH Trần Văn Thức: Nó có tác động rất lớn, trước hết là nó khích lệ nguồn lao động chất lượng cao; thứ hai cũng giúp cho đội ngũ những người có trình độ cao họ phấn khởi, tiếp tục cống hiến, đóng góp và đóng góp của họ ở những lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ cao, ví dụ như nghiên cứu khoa học, đào tạo… thì nó có tác động rất lớn. Không những đội ngũ này, mà còn là lớp trẻ cố gắng phấn đấu và để lại kết quả làm việc rất hữu hiệu cho từng ngành, từng lĩnh vực.
PV: Xin cảm ơn ông.
Trong xu thế tự chủ hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ tự chủ về tài chính mà còn phải tự chủ về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc quy định hiện nay về việc kéo dài thời gian làm việc của giáo sư, phó giáo sư chỉ không quá 5 năm trở thành một rào cản đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong đó có cả các ngành đặc thù.
Bởi vậy, Luật Nhà giáo sửa đổi đã đề xuất kéo dài thời gian làm việc của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư nhằm góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt giảng viên chất lượng cao, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học.
Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
----
Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.