Du lịch trở lại, nhân lực… vẫn chờ

Vừa qua, Ngày hội du lịch TP.HCM 2022 đã đón hơn nửa triệu khách tham quan, với hàng chục ngàn tour tuyến được đăng ký mua chỉ trong 4 ngày diễn ra sự kiện. Song, cùng với tín hiệu lạc quan, những nỗi lo về thiếu nhân lực cũng đang ngày càng rõ nét hơn.

Anh Trần Thanh Phong – Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Nam Phong (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết ,sau khi chính quyền nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì công ty anh đã bắt đầu nhận được các hợp đồng du lịch. Vì các hướng dẫn viên biên chế hầu hết đã nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh trước đó, nên để phục vụ khách, anh Phong phải ký hợp đồng theo từng tour với các hướng dẫn viên tự do

'Hiện giờ chủ yếu làm tour đoàn cho các công ty, còn khách lẻ vẫn khá ít. Bên em bây giờ có đoàn mới ký với hướng dẫn viên freelancer vì họ không nhận lương. Những hướng dẫn này không chỉ làm cho bên em mà có thể làm cho các công ty khác vì họ chỉ nhận tiền bồi dưỡng (tip) của khách', anh Trần Thanh Phong cho biết.

Bà Phạm Phương Anh – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho biết trong giai đoạn đóng băng vì dịch bệnh, công ty đã xoay sở sản xuất thêm khẩu trang để có thêm chi phí chăm lo, giữ chân giữ chân người lao động chờ ngày tái xuất. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà đến thời điểm này Du lịch Việt vẫn đang thiếu khoảng 50% nhân sự so với nhu cầu, đặc biệt là tại ngày hội du lịch TP.HCM 2022 đang diễn ra.

Bà Phạm Phương Anh cho biết thêm: 'Nhân sự là yếu tố quyết định đến thành công của sản phẩm du lịch. Ngay trong những ngày hội chợ này, Du lịch Việt cũng không đủ nhân sự để phục vụ, chúng tôi phải mời gọi các bạn hướng dẫn cũ, nhân viên cũ quay lại để có thể ngay lập tức đón khách trở lại.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng chính sách phúc lợi, chế độ để có thể tuyển đủ nhân sự'.

Ảnh nh họa: VOV

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội du lịch TPHCM 2022, Vietravel đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi có gần 10.000 lượt khách tham quan gian hàng, hơn 6000 khách đăng ký mua tour với tổng giá trị doanh thu gần 35 tỷ đồng.

Để ứng phó với bài toán thiếu hụt nhân sự phục vụ đợt cao điểm sắp tới, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Phó Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho biết thêm: 'Ngay từ những ngày đầu hoạt động trở lại, Vietravel đã có nhiều phương án, chính sách để duy trì, đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân sự…bằng việc đưa ra các gói hỗ trợ thiết thực để đảm bảo lợi ích cao nhất. Chú trọng công tác tái cấu trúc chuyên sâu, đi vào hiệu quả công việc, đảm bảo chất lượng cho du khách trên tất cả các hành trình tour'.

Theo ông Trần Hoàng Phương – Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Viện trưởng Viện nNghiên cứu Du lịch xã hội thì thiếu hụt nhân lực là tình trạng chung của cả ngành du lịch nước ta, với tỷ lệ thiếu hụt trong thời điểm hiện tại dự báo lên đến 60%: 'Nguồn cung không đủ sức cầu, chưa kể du lịch quốc tế vài bữa nữa khách sẽ vào.

Hiện nay xem như là over không xoay trở được, hiện tại ai muốn làm du lịch thì họ đã quay lại hết rồi, con số đó như muối bỏ biển. 2 năm vừa rồi mọi người bị chùn chân, không biết dịch vụ thay đổi ra sao, vừa thiếu kinh nghiệm vừa thiếu trải nghiệm khiến nhân sự yếu trầm trọng.

Dự báo trong tương lai gần, khoảng tháng 9 - 10 mới đủ nhân sự cho du lịch, và nhân sự chất lượng cao rơi vào khoảng tháng 5 năm sau

Sau 2 tháng chính thức mở cửa hoạt động trở lại, ngành du lịch nước ta được ví như chiếc lò xo bị nén chặt nay bật tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhất là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực như hiện nay thì ngành du lịch có thể sẽ bỏ qua thời cơ quý giá này.