Hiện nay mặt bằng dự án còn 15% chủ yếu vướng mắc liên quan đến xác định nguồn gốc đất, người dân phản đối giá bồi thường và khiếu kiện kéo dài. Làm sao để tháo gỡ nút thắt này, công tác bảo vệ thi công liệu có khả thi?
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Công Chiến - Trưởng phòng Quản lý đầu tư xây dựng 1, Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ (Cục Đường bộ VN).
PV: Tiến độ dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn?
Ông Nguyễn Công Chiến: Đến nay tiến đọ đạt khoảng 85%, theo tiến độ mà Bộ GTVT đã gia hạn thì gói thầu số 1 và số 3 phải hoàn thành vào tháng 11 năm 2024 và gói thầu số 2 phải hoàn thành vào tháng 1 năm 2025, tuy nhiên khối lượng thi công phần còn lại đang bị chậm, nhà thầu đã hoàn toàn hết mặt bằng thi công, những đoạn còn lại đều đang vướng mặt bằng.
Mặc dù rất nhiều lần lãnh đạo địa phương, bao gồm cả bí thư tỉnh ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp, đi kiểm tra hiện trường và có nhiều văn bản chỉ đạo; đồng thời Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có Công điện gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị đẩy nhanh tiến độ GPMB, trong tháng 6 năm 2024 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.
Tuy nhiên đến nay toàn bộ khối lượng còn lại 15% mặt bằng vẫn chưa được bàn giao, hoặc bàn giao một vài chục mét không thể thi công. Như vậy hiện nay tiến độ dự án đang đứng im, không thi công được.
PV: Vậy những vướng mắc về mặt bằng cụ thể là gì và hướng của địa phương để giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Công Chiến: Những phần mặt bằng địa phương có thể bàn giao được thì đã bàn giao hết rồi, hiện nay chủ yếu là do người dân đang phản đối về việc đền bù. Liên quan đến xác định nguồn gốc đất, công tác quản lý đất của địa phương trải qua nhiều thời kỳ nên vô cùng phức tạp, hiện người dân đang khiếu kiện.
Mặc dù địa phương đã có giải pháp bảo vệ thi công, tuy nhiên không được nhiều và chỉ nhỏ lẻ. Hướng sắp tới địa phương có chủ trương tiếp tục vận động và bảo vệ thi công, tuy nhiên số lượng hộ dân còn vướng mắc rất lớn, công tác bảo vệ thi công gần như không khả thi.
Ví dụ tại huyện Yên Thành còn vướng 112 hộ, với số lượng lớn như thế nên huyện này đang loay hoay không biết phương án bảo vệ thi công thế nào mới có thể bảo vệ thi công được; còn huyện Diễn Châu cũng có số lượng hộ dân khá lớn nên phương án bảo vệ thi công khó khả thi.
PV: Trước bối cảnh này, về phía Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cùng với địa phương gỡ nút thắt này thế nào?
Ông Nguyễn Công Chiến: Chúng tôi biết vấn đề giải phóng mặt bằng luôn phức tạp, vì bản thân dự án này trước đây năm 2010 cũng đã tiến hành thực hiện, ở thời điểm đó một phần do khó khăn về nguồn vốn – nhà nước không bố trí được vốn, một phần thuộc huyện Diễn Châu không giải phóng được một m2 mặt bằng nào.
Chính vì nhận thức được việc này nên ngay từ đầu dự án, bản thân Cục Đường bộ VN cũng như Ban QLDA 4 đã bố trí nhân sự nằm vùng tại hiện trường, luôn đi cùng địa phương, tìm hiểu vướng mắc và vận động từng hộ dân, rồi bàn bạc với địa phương biện pháp tháo gỡ; đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân sớm di dời.
Tuy nhiên, đến hiện nay những vị trí mặt bằng có thể vận động được và giải phóng được chúng tôi đã cố hết sức rồi, thời thời điểm này còn lại những hộ khó nhất, vướng mắc về nguồn gốc đất và đã có khiếu kiện kéo dài, bây giờ địa phương cũng vô cùng lúng túng trước tình trạng này.
Tôi nghĩ cùng với sự cố gắng của địa phương thì cần sự đồng tình của người dân, quan trọng nhất người dân phải nhìn thấy được lợi ích khi tuyến đường này đi qua, từ đó địa phương và người dân cùng chung tay, chia sẻ thì may ra mới làm được, nếu chỉ trông chờ 1 phía thì rất khó khăn, không thể nào có hồi kết.
PV: Xin cảm ơn ông.