Đốt rơm rạ tự phát lại tái diễn

Tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch vụ lúa mùa 2020 vẫn tiếp diễn tại một số xã Tân Hòa, Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai và một số địa phương khác trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đốt rơm rạ trên cánh đồng khu vực xã Ngọc mỹ, huyện Quốc Oai ngày 8/10

Từ ngày 1 đến ngày 9/10, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Tài Nguyên môi trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công an môi trường… đã tiến hành kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn 19 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Phòng tài nguyên và môi trường huyện Quốc Oai, toàn huyện có diện tích trồng lúa 3.210 ha với sản lượng 0,6 tấn/ ha. Đến nay trên địa bàn huyện người dân đã thu hoạch được 75% diện tích lúa mùa năm 2020.  Số lượng rơm rạ sau khi thu hoạch được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (802 ha), đốt (482 ha) và các phương pháp khác (1926ha).

Tỷ lệ đốt rơm rạ trên địa bàn huyện  chiếm khoảng 15% diện tích trồng lúa, giảm so với các năm trước đây song vẫn tiếp diễn tại một nơi như xã Ngọc Mỹ (thôn Ngọc Than), xã Yên Sơn, xã Thạch Thán, thị trấn Quốc Oai. 

Ngay trong ngày 8/10, Đoàn Kiểm tra của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã phát hiện hiện tượng đốt rơm rạ tự phát tại xã Tân Hòa, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội và đã có chỉ đạo huyện nhanh chóng kiểm tra, xử lý kịp thời. 

Còn tại huyện Thạch Thất, tỷ lệ thu hoạch lúa mùa tại các xã đạt khoảng 40% trong tổng số 3.848 ha, hầu hết các hộ dân đã không còn đốt rơm rạ tại đồng ruộng. Công tác xử lý rơm rạ dự kiến thực hiện bằng cách phương pháp trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, lót chuồng, cày ủi, để ải tại ruộng và xử lý bằng chế phẩm khoảng 700ha. 

Đốt rơm rạ trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai

Thay đổi thói quen đốt rơm rạ… gặp khó

Đại diện Phòng Tài Nguyên nguyên môi trường huyện Thạch Thất cho biết, hiện tượng đốt rơm vẫn tồn tại trên địa bàn là do một số địa bàn xã có diện tích trồng lúa nhỏ, không sử dụng được máy gặt đập liên hoàn trong quá trình thu hoạch. Mặt khác, việc xác định đối tượng đốt rơm để xử lý gặp nhiều khó khăn, do các hộ dân thường lợi dụng thời điểm lực lượng tuần tra đi qua mới tiến hành đốt hoặc đốt vào ban đêm

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, khó khăn lớn nhất trong việc ngăn chặn đốt rơm rạ là việc thay đổi thói quen đốt rơm, rạ của người dân, đa lớn người dân vẫn thích đốt vì nhanh gọn, không tốn kém, trong khi họ chưa ý thức được về những tác hại của việc đốt rơm rạ đến đời sống, sức khỏe và môi trường. 

Tại huyện Chương Mỹ, việc triển khai biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học có sự chi trả của người dân gặp nhiều khó khăn; không có chế tài xử lý đối với các đối tượng đốt rơm rạ nên chính quyền địa phương chưa có các biện pháp xử lý mang tính răn để

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố Hà Nội với  mục tiêu đến cuối năm 2020, không còn hiện tượng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND các xã, huyện, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai ban hành một số văn bản và lên kế hoạch hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của việc đốt rơm rạ.

Phòng Tài nguyên môi trường các huyện phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ tổ chức các lớp tập huấn về lộ trình triển khai hạn chế đối rơm rạ trên địa bàn, khuyến khích các mô hình sản xuất chăn nuôi bò thịt, trồng nấm, trồng bưởi, trồng rau xử lý rơm rạ tại chỗ, hạn chế đốt rơm rạ...

Các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, xây dựng tiêu chí thi đua khen thưởng, thang điểm đánh giá, xếp hạng giữa các xã, thị trấn trên địa bàn về việc hạn chế đốt rơm rạ…