Đồng Tháp: Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu hàng Việt

VOVGT - Ngày 31/10 vừa qua, tại tỉnh Đồng Tháp, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt 2018.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt 2018 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh kết nối với các nhà phân phối, tìm kiếm thị trường, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao hoạt động sản xuất.

Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt 2018 tại Đồng Tháp. Ảnh: Tạp chí Công thương

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp có thế mạnh là tỉnh thuần nông với nguồn cung nguyên liệu lớn. Ngoài 5 mặt hàng chủ lực (lúa, cá tra, vịt, xoài, hoa kiểng), Đồng Tháp còn có các ngành hàng khác có nhiều lợi thế như: chế biến nông sản (bánh phồng tôm, bột gạo, hủ tiếu..), thủ công mỹ nghệ, nhiều loại trái cây nhiệt đới như: xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, bưởi Phong Hòa.. rất nổi tiếng.

Vì vậy, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt 2018 là cơ hội để tạo mối liên kết tiêu thu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Tháp với các tỉnh, thành phố lân cận, góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương theo hướng liên kết ổn định và bền vững.

Đây cũng được xem là một trong những hoạt động thiết thực có ý nghĩa để thực hiện chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nói về kết quả của hội nghị này, ông Hà Bửu Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết:

 

"Qua hội nghị, các nhà sản xuất, nhà phân phối đã ký kết được 74 bản ghi nhớ tại Hội nghị và thỏa thuận ghi nhớ bên lề hội nghị. Trong đó, có 40 bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất Đồng Tháp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh; 30 bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và chế biến trong tỉnh; 4 bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp ngoài tỉnh với nhau”.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thông qua những nội dung ký kết sẽ góp phần phát triển hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho hàng hoá sản xuất trong nước.

Các đơn vị tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản tại hội nghị. Ảnh: Báo Công thương

Bà Lê Việt Nga cho rằng, hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam Đồng Tháp năm 2018 sẽ đóng góp tích cực cho việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú; hỗ trợ các nhà phân phối tìm được các nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng ền, thu hút sự quan tâm của khách hàng, từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thị trường trong nước tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và thu hút đầu tư.

Được biết, thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cũng đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy quá trình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản, nhất là sản phẩm chủ lực, đặc thù, đặc trưng của địa phương.

Ông Hà Bửu Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm:

 

“Xác định hệ thống siêu thị là kênh phân phối quan trọng các mặt hàng đặc sản của tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương tỉnh thường xuyên có các hoạt động kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các kênh phân phối hiện đại, như các siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op; Satra, Hapro, Big C… đồng thời tổ chức các hội nghị tổng kết đưa hàng vào siêu thị để đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn từ đó đề ra các giải pháp khắc phục”.

Mặc dù vậy, trên thực tế, các mặt hàng nông thủy sản tươi sống và chế biến của tỉnh Đồng Tháp còn hiện diện khá “khiêm tốn” tại các kênh phân phối hiện đại, do đó, Sở Công thương tỉnh vẫn đặc biệt chú trọng và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đưa hàng hóa vào các kênh phân phối truyền thống như chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng, các đại lý phân phối, các thương nhân đầu mối… thông qua việc tổ chức các đoàn khảo sát tìm kiếm thị trường ở Tây Nguyên, ền Trung, ền Bắc, Hội nghị kết nối cung cầu tại Tp.HCM, các tuần lễ hàng Việt…

Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các mặt hàng của các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đồng thời ổn định thị trường, kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp lên kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp phân phối mở các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực tập trung dân cư, khu cụm công nghiệp.