Doanh thu các trạm BOT tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt 606 tỷ đồng

Mới đây, trong báo cáo doanh thu theo định kỳ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, năm 2021, doanh số thu phí của các trạm trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đạt 606 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu vé lượt ở mức cao nhất với gần 546 tỷ đồng, vé tháng đạt hơn 43 tỷ đồng và vé quý đạt trên 16 tỷ đồng. Còn về lưu lượng xe trên tuyến năm 2021 cũng đạt hơn 17 triệu lượt xe, cụ thể: lưu lượng xe ở các làn thu phí thủ công (MTC) chiếm áp đảo hơn 11 triệu lượt xe; trong khi lưu lượng xe ở các làn thu phí không dừng (ETC) chỉ đạt hơn 6 triệu lượt xe.

Được biết, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Nam TP. Hà Nội được đầu tư theo hình thức BOT. Tuyến đường dài 29 km với 6 làn, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường hiện hữu 4 làn xe (TMĐT: 1.973 tỷ đồng, hoàn thành năm 2015); Giai đoạn 2: Đầu tư mở rộng lên quy mô 6 làn xe (TMĐT: 4.757 tỷ đồng, hoàn thành năm 2018).

Theo đánh giá của đơn vị này, tuyến dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội là một trong những tuyến có mật độ phương tiện lớn nhất cả nước hiện nay.

Chỉ trong dịp Tết vừa qua, Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thông tin, mật độ phương tiện trong những ngày này đạt khoảng 150.000 xe/ngày đêm (gấp 3 lần so với ngày thường).

Gần đây nhất, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư dự án BOT chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý thu, chi. Các nhà đầu tư dự án BOT cần phối hợp với các cơ quan chức năng không để xảy ra việc cản trở hoạt động thu phí và xử lý kịp thời các hành vi gian lận.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, 54 dự án BOT trên các tuyến Quốc lộ trên cả nước do ngành giao thông quản lý có doanh thu thu phí năm 2021 là 11.200 tỷ đồng (giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với năm 2020).

Đáng chú ý, nhiều dự án BOT có doanh thu giảm mạnh (chỉ đạt 60 – 70% so với năm 2020) như: dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 phía Bắc TP. Bạc Liêu; tuyến Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp; dự án mở rộng Quốc lộ 1 và tuyến tránh TP. Sóc Trăng; tuyến tránh TP. Phủ Lý; dự án cầu Việt Trì – Ba Vì; đường Hồ Chí Minh đoạn Km 1738+148 – Km 1763+510 qua tỉnh Đắk Lắk; cầu Mỹ Lợi; Cầu Rạch Miễu.

Ngoài ra, còn có các tuyến đường có lưu lượng lớn cũng bị giảm doanh thu như: cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (đạt 84%); cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đạt 89%) so với năm 2020.

Lý giải nguyên nhân từ các chủ đầu tư của một số dự án BOT là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lưu lượng phương tiện đi lại trên các tuyến đường giảm mạnh trong năm 2021, thậm chí nhiều trạm BOT phải tạm dừng thu phí trên địa bàn bị giãn cách.