Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA?

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua, mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, cơ hội mà EVFTA đem lại sẽ mang đến

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua, mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU

Hiện Châu Âu hiện là thị trường thứ 3 về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và  đứng thứ 5 về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau các nước Đông Á.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặc biệt tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm đa số trong các doanh nghiệp Việt) khi gỡ bỏ các rào cản về thuế và rào cản khác cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu. Đồng thời EVFTA cũng đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về hàng hóa để doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào đó mà thực hiện. Điều này các doanh nghiệp lớn đã thực hiện từ lâu nên không chịu tác động nhiều.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA vừa là cơ hội, giúp doanh nghiệp hồi phục sau tác động của dịch Covid-19 nhưng cũng là thách thức lớn buộc các doanh nghiệp nội phải cơ cấu lại chuỗi sản xuất, hàng hóa để sản phẩm có sức cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa cũng như có thể đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa xuất vào thị trường châu Âu.

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này, tránh mơ hồ, nhầm lẫn, dẫn đến sai sót không đáng có.

Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng Phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Việt Nam lưu ý: “Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA này. Doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm chất lượng của mình để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của EU đưa ra đối với hàng hóa nhập khầu”.

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội đến từ EVFTA, các doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định này. Ảnh: Pháp luật

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không phải là Hiệp định đầu tiên mà Việt Nam tham gia. Do đó, các doanh nghiệp Việt đã khá quen với việc khai thác những cơ hội cũng như đối diện với thách thức của hội nhập trong khuôn khổ các FTA.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá EV FTA là Hiệp định tương đối đặc biệt “mở và mạnh nhất” cũng như có tác động đa diện hơn so với các Hiệp định trước. Do đó, các doanh nghiệp nội cũng có nhiều cơ hội hơn.

Để khai thác những lợi ích này, các doanh nghiệp phải có một số lưu ý, thứ nhất là đảm bảo xuất xứ về hàng hóa xuất khẩu của mình. Thứ hai, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhất là vệ sinh thực phẩm, những tiêu chí về kỹ thuật khác. Thứ ba là cần phải đảm bảo các điều kiện giao nhận theo đúng hợp đồng, có sự chuẩn bị kỹ cho tất cả những tranh chấp xảy ra.

Ông Nguyễn Minh Phong lưu ý: “Ngay cả vấn đề về xuất xứ, các doanh nghiệp Việt được phép đăng ký xuất xứ và hưởng ngay những lợi ích từ việc đáp ứng được yêu cầu xuất xứ này. Nhưng nếu mà bị nghi ngờ thì buộc phải cung cấp tài liệu chứng cứ. Nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Do đó, các doanh nghiệp Việt phải chủ động nắm bắt được yêu cầu cũng như tranh thủ được những cơ hội để có những cơ hội cạnh tranh so với hàng của các nước khác”.

Để nắm bắt được thông tin của các hiệp định và khai thác tốt, các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận với kênh thông tin chính thức từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công thương cũng như các bộ, ngành chức năng trong đó có Bộ Tài chính. Cùng với đó, phải chủ động liên hệ với các đối tác để cập nhật trên các trang web của họ như các nước xuất khẩu chính. Thứ ba nữa là cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp về năng lực ngoại ngữ và nắm bắt thông tin và xử lý thông tin tốt để cập nhật nhanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: “Chúng ta lưu ý là thuế thì giảm nhưng hàng rào kỹ thuật thì sẽ tăng rất nhanh và nhất là cập nhật. Nếu chúng ta mà không chuẩn bị hoặc không nhận diện kịp thời thì sẽ khó mà vượt qua được hàng rào kỹ thuật mà mỗi một nước độc quyền hoặc có một sự gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động tham vấn các hiệp hội, các đối tác, bạn hàng để từ đó nắm bắt được các thông tin, cơ hội xuất khẩu cũng như là nhận diện là chuẩn bị tốt để cạnh tranh tốt hơn trong việc đối phó với hàng nhập khẩu”.