Doanh nghiệp nhập thịt heo ồ ạt, người chăn nuôi lo lắng

6 tháng qua, các doanh nghiệp ở TPHCM đã nhập khoảng 4.000 tấn thịt heo đông lạnh, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, làm người chăn nuôi lo lắng nhất là khi nguồn cung trong nước đang đáp ứng đủ nhu cầu

Thịt heo nhập khẩu xuất xứ Ba Lan được bán tại một siêu thị ở quận 2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thống kê của Cục Hải quan TPHCM cho biết, việc nhập thịt heo của các doanh nghiệp tại thành phố chủ yếu nhằm phục vụ cho việc chế biến thực phẩm, sản xuất nhãn hàng riêng cho siêu thị và bán cho các bếp ăn công nghiệp, trường học…. Nhưng cũng có một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo trữ đông vì theo dự báo có thể trong thời gian tới giá heo sẽ tăng cao. 

Theo một số hiệp hội chăn nuôi của các tỉnh Đông Nam bộ, việc cơ quan chức năng cho các doanh nghiệp ồ ạt nhập thịt heo vào thời điểm hiện nay sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi khi họ đang bị kiệt quệ do thiệt hại của bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng :

Sắp tới thịt heo có thể thiếu nhưng không thiếu trầm trọng đến mức các doanh nghiệp nhập ồ ạt. Khi thịt heo nhập khẩu vào nhiều thì chắc chắc giá thịt heo trong nước sẽ giảm sâu. Ngành chăn nuôi heo trong nước sẽ bị đánh sập. Một mối lo nữa cho người tiêu dùng là sử dụng thịt nhập chăn nuôi có sử dụng chất cấm và được đóng mác thịt an toàn. 

Người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ thịt heo

Còn theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản VISSAN, việc nhập thịt heo đông lạnh có 2 mặt, nếu nguồn cung thiếu hụt, thì có sẵn nguồn đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời doanh nghiệp cũng có lợi vì giá thịt tăng cao. Nhưng ngược lại, nếu nguồn cung quá dư thừa thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng tồn kho này. Ông An phân tích:

Nếu dịch tả châu phi được ngăn chặn và không phát triển ở các trang trại lớn, tổng đàn giữ tương đối ổn, nhu cầu người tiêu dùng quay trở trở lại bình thường, thì hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập về chuẩn bị ‘đón đầu” cho nguồn cung thiếu hụt thì sẽ không giải quyết được hàng tồn kho nhập về, khi đó doanh nghiệp nhập khẩu về trữ hàng sẽ gặp khó khăn. 

Khi nguồn thịt heo trong nước không ổn định thì việc nhập thịt để đáp ứng nhu cầu của thị trường là một giải pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ thịt heo thì việc cho nhập thịt heo ồ ạt thời điểm này cần phải cân nhắc và có sự định hướng kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những giải pháp được chính phủ đánh giá là hữu hiệu ở thời điểm này là thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu. Hiện cả nước có gần 400 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng. Các đơn vị chăn nuôi, giết mổ, phân phối đều ủng hộ phương án cấp đông, bởi việc thu mua, giết mổ và cấp đông trước mắt sẽ giảm đáng kể thiệt hại đối với người chăn nuôi, còn về lâu dài sẽ đảm bảo nguồn cung cho thị trường.