Đồ chơi Việt loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân trong đó, hơn 20% là trẻ em, thị trường đồ chơi được đánh giá đầy tiềm năng. Thế nhưng, hiện nay, vẫn có tới 90% đồ chơi trên thị trường được nhập khẩu. Đã có một số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam ra đời nhưng

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Đồ chơi nội địa vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng vững chắc trên chính thị trường trong nước

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước đã nỗ lực phát triển, có nhiều bước tiến đáng kể, cho ra đời nhiều sản phẩm đồ chơi đa dạng về mẫu mã, chất liệu, vừa phát triển trí tuệ, cảm xúc, vừa bảo đảm an toàn, đáp ứng được phần nào nhu cầu của người tiêu dùng.

Thế nhưng, trên thực tế, đồ chơi nội địa vẫn chưa thể tìm được chỗ đứng vững chắc trên chính thị trường trong nước khi vẫn có tới 90% đồ chơi trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc cùng các nước Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa đồ chơi nội địa và đồ chơi nhập khẩu không cân sức.

Chị Thu Hoài cùng cậu con trai 4 tuổi đến cửa hàng đồ chơi trên phố Bạch Mai (Hà Nội) để chọn cho cậu bé một món đồ chơi nhân dịp sinh nhật sắp tới. Giữa vô vàn các món đồ chơi như khủng long, xếp hình, súng, các nhân vật hoạt hình… chị thấy xuất hiện một số đồ chơi làm bằng gỗ, nhựa khá an toàn có xuất xứ Việt Nam, thế nhưng không dễ để thuyết phục cậu con trai nhỏ lựa chọn.

“Mình thì cũng muốn con chơi đồ chơi do nước mình sản xuất đấy vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên cũng yên tâm hơn. Thế nhưng nói thật là mẫu mã không bắt mắt, đa dạng bằng hàng Trung Quốc hay các nước khác nên các cháu nó vẫn thích chọn đồ chơi kia hơn. Trẻ con mà”, chị Hoài nói.

Phân tích về nguyên nhân khiến đồ chơi Việt vẫn chưa được lòng khách hàng nhí Việt và có thị phần vô cùng khiêm tốn trên thị trường, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Nhu cầu về đồ chơi của trẻ em nước ta rất lớn. Trong bối cảnh nhu cầu rất lớn nhưng tại sao chúng ta không phát triển được, tiềm năng thì có, điều kiện thì có, đó là bởi vì chúng ta gần Trung Quốc mà thị trường đồ chơi ở quốc gia này rất mạnh đồng thời giá rất rẻ, luôn thay đổi mẫu mã, thay đổi những sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi. Cho nên khả năng cạnh tranh của ta rất khó. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em sau một thời gian hoạt động không cạnh tranh được và cuối cùng “chết yểu”.

Nhiều doanh nghiệp đồ chơi Việt lo ngại về tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn chưa được kiểm soát tốt gây mất uy tín cho doanh nghiệp. Ảnh: Doanh nghiệp VN

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đồ chơi Việt bày tỏ tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn chưa được kiểm soát tốt dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vừa đưa ra các mẫu đồ chơi mới lập tức bị sao chép và bán ra với giá thấp hơn, gây mất uy tín cho doanh nghiệp. Thực trạng này khiến ngành sản xuất đồ chơi trong nước rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”.

Ông Đỗ Vĩnh Cầu – Giám đốc Công ty CP Đồ chơi An toàn Việt chi nhánh Tp.HCM cho biết các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc phần lớn vào thị trường Việt Nam qua đường tiểu ngạch nên có giá thành rẻ vì thế mà thu hút được người tiêu dùng lựa chọn.

“Hàng nhập ngoại chủ yếu là Trung Quốc và khi nhập vào thị trường Việt Nam thì phần lớn nhập bằng tiểu ngạch nên giá khá rẻ. Các sản phẩm này thường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được bảo đảm tính an toàn nhưng lại tiêu thụ khá lớn, đặc biệt là các vùng nông thôn do giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Các sản phẩm chúng tôi có đầy đủ nguồn gốc nhưng hàng trôi nổi trên thị trường hiện nay quá nhiều. Chính vì vậy, thị phần của chúng tôi cũng bị giảm”, ông Đỗ Vĩnh Cầu cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc và ngoại nhập, các doanh nghiệp nội phải đầu tư nghiên cứu thị trường, khách hàng từ đó tìm ra thị trường ngách của riêng mình, thay vì chỉ cố gắng chạy đua về mẫu mã với các đối thủ khác.

“Thứ nhất là luôn luôn phải phù hợp mẫu mã, giá thành, chất lượng, đặc biệt đồ chơi trẻ em trong bối cảnh hiện nay thì tâm lý người tiêu dùng Việt Nam ngoài phù hợp với các cháu, rẻ, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải đi nghiên cứu nhu cầu, nghiên cứu thị hiếu và trên cơ sở đó chúng ta sẽ có những phương án, xây dựng kế hoạch cụ thể. Còn nếu chúng ta không thật năng động để tìm ra những cái phù hợp với sở thích cũng như thị hiếu, nhu cầu của trẻ em thì chúng ta luôn khó có khả năng thực thi, không có khả năng cạnh tranh được với hàng kê Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Cùng với sự nhạy bén của các doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng trong việc thắt chặt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng lậu giá rẻ nhằm bảo vệ các thương hiệu hàng Việt cũng như có chính sách, đầu tư bài bản để ngành sản xuất đồ chơi trẻ em Việt Nam đứng vững tại thị trường trong nước cũng như tạo được dấu ấn trên thế giới.