Đình Quảng Bá: Biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng

VOVGT - Với người dân phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội thì đình làng Quảng Bá chính là biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đình làng Quảng Bá (Ảnh: panorao)

“Cây đa, bến nước, sân đình” đã đi vào tâm khảm của người Việt, từ nông thôn đến thành thị, như là một trong những hình ảnh đẹp nhất khi hướng về cội nguồn.Trải qua những thăng trầm lịch sử, đình làng vẫn luôn có sự gắn bó với tâm hồn mỗi người. Với người dân phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội thì đình làng Quảng Bá chính là biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng quan trọng.

“Đây là chỗ dựa tinh thần để cả làng đoàn kết với nhau, cùng đến hội họp nhân ngày tiệc thánh nên rất ý nghĩa với làng Quảng Bá, một năm hai lần đến với đình làng thờ thánh là buổi đoàn kết nhất. Tập hợp mọi trách nhiệm của mọi người dân để cùng chung nhau gánh vác mọi trách nhiệm của làng, mang cả ý nghĩa chính trị để mọi tầng lớp phối hợp đoàn kết toàn dân.”

“Di tích lịch sử của đình này thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Sau khi thắng quân giặc nhà Đường nhân dân phong ngài lên ngôi hoàng đế, trong lịch sử bắt nó khá dài bắt nguồn cả trên Đường Lâm, Sơn Tây nữa.”

“Kỷ niệm thì rất nhiều, hầu như các chú vào đây từ thời thanh niên và các cụ già thời trước các chú là rất tâm huyết vs đình và các chú rất là hồ hởi. Thời ấy người làm kiệu, người rước, người tu bổ đình làng rất đông, kể cả tinh thần vật chất vào việc xây dựng đình làng.”

 

Đình Quảng Bá được xây dựng vào đời Trần. Quảng Bá ngày xưa chính tên là Quảng Bố và làm đình cũng gọi là đình quảng Bố. Làng Quảng Bá thờ ông Phùng Hưng là thành hoàng làng là có lý do. Vào năm 1670, Phùng Hưng đưa quân vây đánh thành Đại La thì có ém quân ở làng này.

Người đứng đầu An Nam Đô hộ phủ lúc đó là Dương Bình Chính nghe tin Phùng Hưng vây thành sợ quá đã ốm mà chết. Nhớ lại công lao và ơn đức người xưa thì dân làng Quảng Bá đã lấy ông Phùng Hưng làm Thành hoàng làng và thờ ông. Vì thế đình Quảng Bá trước đó tên là Quảng Bố, để tránh húy của Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương thì phải đổi tên thành Quảng Bá.

Hiệu của Phùng Hưng là Bố Cái đại vương nên người làng Quảng Bá rất nhiều đời không bao giờ gọi bằng bố mà gọi bằng cha hoặc thầy và cũng ko bao giờ dùng chữ “Cái” mà phải nói chại đi, ví dụ như ngón tay cái thì gọi là ngón tay cối. Cho đến bây giờ thì chỉ còn những người già họ nói chại đi còn những người trẻ thì họ nói bình thường.

Vùng Quảng Bá xinh đẹp soi bóng xuống Hồ Tây, níu chân du khách, từ thế kỷ thứ 8 từng là địa điểm tập kết của nghĩa quân Phùng Hưng để tấn công vào thành Ðại La, tiêu diệt quan quân đô hộ nhà Ðường. Nơi đây vẫn còn lưu giữ một số địa danh cổ như: Gò Lá Cờ là nơi cắm cờ của các tướng chỉ huy; bến Trùm là nơi nghĩa quân xuống tắm sau những giờ luyện tập; hồ Thủy sứ là nơi neo đậu thuyền chiến.

Ghi nhớ công lao to lớn của Phùng Hưng, dân làng Quảng Bá đã cùng nhau dựng đình, xưng tôn Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là Thành Hoàng làng. Ông Nguyễn Hữu Viện- Phó ban quản lý đình chùa Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết về lịch sử của ngôi đình này:

“Di tích lịch sử này thờ cụ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trước cái làng này tên là làng Quảng Bố tức là thờ cụ bố cái đại vương lấy cụ bố cái đại vương làm thành hoàng của làng. Vì cái hồi mà cụ đánh thành Tống Bình thì cụ có về đây luyện quân tại bến Chùm sau đó mới vào đánh thành Tống Bình thắng trận. Trước nó không phải ở đây. Trước nó ở Gò Con Quy xong dân làng mới thấy nó không đẹp nên dân làng mới chuyển về đây từ đầu thế kỷ 19. Sau đó năm 1998 thì Bộ Văn hóa có tu sửa lại toàn bộ cột gỗ, rồi tiền công đức của dân tu sửa năm 98. Hai văn chỉ này thì cũng tu sửa từ trước, năm 98 chỉ có tu sửa lại thôi. “

 

Rộn ràng lễ hội đình làng Quảng Bá (Ảnh: Lao động)

Ngày nay, Đình làng Quảng Bá là một ngôi đình quy mô, bề thế với lối kiến trúc tiêu biểu nguyên vẹn hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của ngôi đình cổ. Đáng chú ý là các bức cốn của đình được chạm trổ rất tỉ mỉ, bức bên phải chạm rồng, lân; bức bên trái chạm rồng, phượng.

Đặc biệt, bộ cửa võng sơn son thiếp vàng với đề tài cửu long tranh châu của đình được tạo tác tinh tế đến từng chi tiết. Hậu cung của đình gồm ba gian, ở giữa bờ nóc có đắp hình bầu rượu và cá hoá rồng, phía trên các vòm cuốn đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, phượng hàm thư, lân vờn cầu... Ở gian giữa hậu cung đặt ngai thờ Phùng Hưng cùng một nhang án mang phong cách thế kỉ 17 - 18 với các hoạ tiết chạm rồng, hoa lá, mặt trời.

Đình Quảng Bá hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: 16 đạo sắc phong Phùng Hưng của các đời vua, các bức hoành phi và câu đối ca ngợi Phùng Hưng cùng các vị tướng sĩ, nhưng đặc sắc nhất là tấm bia đá Đường Lâm Phùng Hưng Kí được dựng năm 1841, khắc tới 3000 chữ Hán, ghi lại các sự kiện về người anh hùng dân tộc Phùng Hưng.

Cũng nhân một chuyến ghé thăm đình làng Quảng Bá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho xây một giếng nước sạch tại đây. Người căn dặn cán bộ và nhân dân phát triển kinh tế văn hóa, làm cho Quảng Bá ngày càng giàu đẹp. Ðể ghi nhớ lời dạy của Người, giáo dục cho các thế hệ con cháu, làng Quảng Bá đã dựng tấm bia đá khắc chữ vàng trang trọng ở trước đình.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ chi tiết hơn về câu chuyện lịch sử này:

“Đình này không chỉ là nơi sinh hoạt hành lễ của dân chúng ở khu vực Quảng Bá này mà còn có một điều rất đặc biệt là 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh có về thăm Quảng Bá thì Người có dùng tiền lương của mình để tặng nhân dân đào một cái giếng với ý nghĩa người dân nông thôn uống nước sạch để đảm bảo sức khỏe. Người dân Quảng Bá rất biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho đến bây giờ cái giếng đó vẫn còn và nó được giữ gìn trân trọng như 1 di sản quý báu của người dân ở đây và người dân Hà Nội nói chung. Đình này mới được sửa, nhưng không còn được như ngày xưa….”

 

Ðình Quảng Bá được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử và văn hóa cấp Quốc gia năm 1994. Hằng năm, lễ hội ở Quảng Bá được tổ chức vào trung tuần tháng hai và tháng tám âm lịch. Từ tám giờ sáng, đoàn người rời đình Quảng Bá tiến ra chùa Hoàng Ân cũng gọi là chùa Quảng Bá lấy nước mưa tinh khiết về làm lễ mộc dục, xưa kia phải bơi thuyền ra giữa Hồ Tây lấy nước. Sau đó cuộc tế bắt đầu.

Ông Nguyễn Hữu Viện- Phó ban quản lý đình chùa Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết thêm về lễ hội Đình Quảng Bá:

“Đình có 2 kỳ: mùng 9,10,11 tháng 2 âm lịch, kỳ 2 là mùng 9,10 tháng 8 âm lịch, đúng là tiệc cơm mới, Trước kia các cụ có gặt lúa mùa nên có 2 kỳ như thế. Về hoạt động rước nước, trước tiên các cụ ra ngoài bến sau đó đi thuyền ra lấy nước giữa hồ Tây lấy vào chóe, rồi đưa vào trong ngày thờ để lấy nc cúng, các trò chơi rồi là tế, tế thì có tế nam.

Thời đại bây giờ có cả tế nữ, sinh tiền, cờ người, tổ tôm điếm, nói chung rất nhiều hoạt động, văn nghệ của phường, thôn, văn nghệ chuyên nghiệp. tối nào cũng có văn nghệ. Các cụ lấy nước về để lễ thánh vì lễ thánh bao giờ cũng phải có bát nước, đưa nước dùng cả năm để lễ thánh. truyền thống của làng các cụ trc kia chủ yếu là trồng rau, hoa quất cảnh, các loại rau, bán cho nhà nước, nhà nước lại bán cho dân, rồi trồng quất cảnh,trồng sen ở các hồ, ở đây có thương hiệu chè sen là nhất thành phố.”

 

Theo truyền thống kết huynh đệ từ xa xưa, nhân dân Kim Mã thuộc quận Ba Ðình, nơi còn giữ được lăng mộ Phùng Hưng cử một đoàn lên đình Quảng Bá tế lễ và tham gia lễ hội. Sau nghi lễ tế trang trọng là các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc diễn ra vui tươi và náo nhiệt. Ngoài ra, lễ hội còn có lễ rước nước, khóa tụng kinh của các sư chùa Quảng Bá cùng nhiều lễ tế truyền thống khác.

Đoàn rước nối một hàng dài đi bộ rất đông, có một nhóm thanh niên trẻ rước sắc vua ban, trong đó ba chiếc ngai thờ không rước mà để yên vị tại hậu cung. Sắc tế trong long đình có hai lọng và tám tán đi xung quanh rất tôn nghiêm. Mở đầu là đội múa sư tử và múa rồng, sư tử đi có tính dẹp đường, còn rồng thì lượn quanh long đình. Sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc thu hút dân làng và khách quanh vùng tới dự .

Trong mỗi người con đất Việt, nét đẹp hồn quê luôn gắn liền với những hình ảnh hằn sâu nơi tiềm thức cõi nhớ. Khi tiết trời hiu hắt rắc đều mưa xuân khắp mọi nẻo đường vùng ền đất nước thì cũng là lúc người dân Quảng Bá rộn ràng náo nức trong ngày hội làng. Hình ảnh những phiên hội làng đã đi vào ký ức bao nhiêu thế hệ con cháu, để rồi dù có đi xa, họ vẫn luôn hướng về quê nhà- nơi có mái đình cong cong tọa lạc giữa làng theo năm tháng, in hình lên con nước Hồ Tây hiền hòa xanh biếc.

Chính những nét đẹp văn hóa bình dị gần gũi mà rất đỗi thân thương ấy hiện hữu vượt qua sự xáo mòn nghiệt ngã của thời gian. Con người Quảng Bá vẫn luôn tiếp nối truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác để ý thức rõ ràng việc bảo vệ, phát huy, tôn tạo những giá trị văn hóa lịch sử cho lớp người đi sau. Đó cũng chính là sợi dây lịch sử bền chặt nhất, giúp họ mãi nhớ về nguồn cội và góp phần đưa những giá trị ấy trở thành hồn làng – nơi mỗi người tìm về sau bao đổi thay của cuộc sống.