Điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm, phù hợp thị trường hơn

Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh từ 10 ngày/lần như hiện nay xuống còn 7 ngày/lần. Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và 83/2014 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương xây dựng.

Theo đó, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần, nếu trùng ngày nghỉ lễ, sẽ điều chỉnh vào thứ Tư liền kề. Bộ Công Thương cho rằng sẽ bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới.

Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Xung quanh đề xuất này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

PV: Ông đánh giá thế nào về đề xuất rút ngắn thời gian giữa 2 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 7 ngày?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Nói về việc điều chỉnh giá xăng dầu vào thứ Năm hàng tuần, thì có điểm tích cực là làm giá xăng dầu linh hoạt, phù hợp với thị trường hơn. Từ đó cũng tránh được những gián đoạn không cần thiết, vì thứ Năm cũng vào giữa tuần.

Tuy nhiên, có một số vấn đề chúng tôi cho rằng cần lưu tâm. Thứ nhất, việc rút ngắn kỳ hạn điều chỉnh cũng làm giá sát hơn thị trường, nhưng thực tế cũng chưa phải quá sát. Chúng ta đang nhập khẩu xăng dầu từ Singapore và từ các nguồn khác để sản xuất, chế biến, tiêu dùng trong nước.

Giá xăng dầu thực chất là giá nhập khẩu từ trước đó một thời gian. Vì vậy, việc điều chỉnh xuống 7 ngày hầu như cũng không giúp giá xăng dầu Việt Nam gần với thế giới.

Thứ hai, các doanh nghiệp xăng dầu có khó khăn trong việc kiểm kê, báo cáo số lượng xăng dầu tồn, nhập về và chi tiêu. Đây là vấn đề gây khó cho quá trình quản lý. Chúng ta cần lường trước những vấn đề này.

 

PV: Vậy còn với người tiêu dùng và các doanh nghiệp vận tải, sử dụng xăng dầu, họ chịu tác động ra sao trước sự thay đổi này?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Tất nhiên việc điều chỉnh giá hàng tuần thì các doanh nghiệp tiêu dùng xăng dầu sẽ gặp khó khăn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tính toán nguồn vốn đầu vào, đầu ra. Tuy nhiên, chúng ta đang hướng tới kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu cũng cần có sự thích nghi với điều kiện của một thị trường xăng dầu phát triển.

Để dần dần, chúng ta đưa thị trường xăng dầu Việt Nam đúng nghĩa là một thị trường thực thụ. Lúc đó, việc tính toán, dự phòng thay đổi theo thị trường phải được các đơn vị sản xuất, kinh doanh linh hoạt, chủ động.

Còn về người tiêu dùng, giá đi theo thị trường, việc thực hiện thị trường hóa quản lý xăng dầu là một đòi hỏi của thực tiễn. Chúng ta cần những bước mang tính nền tảng hơn là việc điều chỉnh về mặt thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bên cạnh điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày một lần, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và 83/2014 về kinh doanh xăng dầu cũng quy định: 3 tháng một lần, doanh nghiệp phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí nhập khẩu, vận chuyển xăng dầu, nhằm giúp các cơ quan quản lý thu thập số liệu, phục vụ cập nhật, tính toán giá cơ sở xăng dầu và điều hành giá.

Đồng thời, trước ngày 31/3 hàng năm, doanh nghiệp đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để công bố vào ngày 1/7 hàng năm, áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.

Với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trước đây về việc cần quy định "cứng" mức chiết khấu (thù lao kinh doanh), ở lần sửa đổi này, dự thảo Nghị định không quy định chiết khấu, do chi phí này đã được tính trong chi phí kinh doanh định mức. Theo Bộ Công Thương, chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, đây cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần.