Diện mạo Kẻ Noi

VOVGT-Diện mạo của làng cổ Kẻ Noi xưa đã trở thành phố, thành phường hiện đại và kéo theo đó là sự đổi thay nhiều mặt trong đời sống nhân dân quanh vùng.

Cổ Nhuế hiện nay được biết đến với nhiều công trình, tòa nhà chung cư văn phòng cao tầng, hiện đại với mật độ xây dựng dày đặc

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Phường Cổ Nhuế hiện nay được biết đến với nhiều công trình, tòa nhà chung cư văn phòng cao tầng, hiện đại, với mật độ xây dựng dày đặc.

Nếu 20 năm trước, Cổ Nhuế như một công xưởng may lớn thì những năm trở lại đây, Cổ Nhuế thực sự đã trở thành một công trường lớn.

Diện mạo của làng cổ Kẻ Noi xưa đã trở thành phố, thành phường hiện đại và kéo theo đó là sự đổi thay nhiều mặt trong đời sống nhân dân quanh vùng.

Hãy cùng tìm hiểu nét đặc biệt trong diện mạo mới của Cổ Nhuế ngày nay, trước hết là những chia sẻ từ nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

 

“Cổ Nhuế thì từ chuyện Cổ Nhuế từ xã mà thành phường thì nảy sinh 1 vấn đề, tức là trước đây, khi là xã thì có 1 con đường nối từ chỗ Bệnh viện E bây giờ ở đường Trần Cung chạy sang bên phía Cổ Nhuế thì con đường đó rất hẹp. Trước đây nó là 1 con đường nhựa, nhưng khi lên phường thì cũng vẫn là con đường ấy và 1 cái thiếu sót rất cơ bản khi quy hoạch đô thị, tức là anh chỉ làm thuần túy về mặt hành chính, biến 1 xã thành 1 phường trong 1 đêm mà ko hề có quy hoạch.

Tất cả ruộng của vùng Cổ Nhuế ngày xưa được cấp cho các đơn vị khác để xây chung cư cao tầng, còn lại các phần đất trong làng thì không đả động gì. Trong khi đó lại không có quy hoạch, dẫn đến đô thị hóa tự phát, vì thế, con đường Trần Cung bây giờ vô cùng chật chội, 2 bên là những ngõ nhỏ rất hẹp, dân cư vô cùng đông đúc, còn nhà cửa xây dựng thì muôn vàn kiểu khác nhau.

Vì trước đây chỉ là nhà 1 tầng, nay xây nhà nhiều tầng nên mật đô tăng lên rất đông, trong khi hạ tầng không đáp ứng được, từ hạ tầng xã hội như ý tế, trường học, hạ tầng giao thông rồi hạ tầng đô thị như là nước sạch, thoát nước.. thì đều ko đảm bảo cho 1 đơn vị cấp phường nằm trong nội đô.

Vì thế, việc đô thị hóa quá nhanh ở Cổ Nhuế và biến từ xã thành phường trong 1 đêm nó dẫn đến hậu quả là làm cho 1 vùng đất rất nhốn nháo, thiếu quy hoạch chuẩn, rất lộn xộn và không văn nh. Không riêng gì Cổ Nhuế mà bài học về biến 1 xã thành 1 phường là bài học chung diễn ra ở rất nhiều Kẻ ở phía tây Hà Nội. Nếu mà ko giải quyết được cái quy hoạch của các làng, xã 1 đêm thành phường thì rõ ràng sau này nó chính là những mụn ruồi của đô thị”.

Có thể nói, bài toán quy hoạch tổng thể cho các vùng đô thị như Cổ Nhuế hiện vẫn là bài toán khó cho tất cả các vùng ven nội đô. Sự thay đổi là tất yếu, và những cái mất đi luôn mang lại sự nuối tiếc.

Với góc nhìn từ một nhà văn, ông Nguyễn Hiếu, một người có nhiều gắn bó với mảnh đất Cổ Nhuế này chia sẻ sự buồn lòng trước những mất mát mà quá trình đô thị hóa đã lấy đi của ngôi làng Cổ Nhuế đẹp đẽ một thời:

 

“Bây giờ đi qua Cổ Nhuế là đi qua 1 sự hỗn loạn về giao thông, chỉ 1 con đường quá nhỏ, vì bây giờ mặt tiền là rất quan trọng nên mỗi nhà lại lấn thêm. Đi qua Cổ Nhuế lắm khi tôi nói đùa, đường Cổ Nhuế giống như cánh tay của người nghèo ấy, nó gầy guộc quá và nó cứ len lỏi qua những cái nhà ống.

Chứ ngày xưa đường Cổ Nhuế nó cực đẹp, nó có 1 dòng sông Nhuệ ngay cạnh làng, nó đẹp lắm, nó thơ mộng, nhưng bây giờ chính sự ô nhiễm của dòng sông, cộng với sự lộn xộn và sự phát triển đô thị hóa quá nhanh, những nhà ống mọc lên quá nhanh, rìa làng mọc thêm đường Phạm Văn Đồng còn chính giữa làng chỉ có 1 con đường quá nhỏ, chúng tôi đi qua thì bức xúc quá, đúng là giao thông Cổ Nhuế tương đối vất vả”.

Người dân nơi đây cũng đã quen với sự vất vả trong đi lại và chấp nhận nó như một thực tế phải đánh đổi cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa

Với cuộc sống người dân Cổ Nhuế, không thể phủ nhận sự phát triển về kinh tế từ sau khi làng từ xã lên phường, cơ sở vật chất và đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng cao đáng kể, một số người dân Cổ Nhuế chia sẻ:

 

“Nếu nói về hạ tầng cơ sở thì được sự quan tâm của chính quyền thì tất cả đường làng ngõ xóm ngày xưa của chúng tôi cũng rất là lầy lội chứ, nhưng sau khi kinh tế phát triển lên thì chính quyền cũng nhìn nhận và đầu tư để xây dựng lại đường làng ngõ xóm..”

“Về kinh tế các cụ tương đối cả, cụ nào cũng dư dật hết, thường thường con cái bây giờ quan tâm tới các cụ nhiều, xã hội cũng quan tâm đến người cao tuổi…”

“Trên địa bàn Cổ Nhuế này thì hầu như là 10 nhà có đến tầm khoảng 6 nhà là có phòng sinh viên cho thuê nên cuộc sống của nhân dân ở đây cũng ổn định. Thứ 2 nữa là chính bởi vì thế nên vấn đề an ninh trật tự nên chúng tôi hết sức quan tâm đến vấn đề đó. hàng họ bán tốt, nhưng chúng tôi cố gắng làm sao duy trì dc tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không thể vì lợi nhuận mà bán những mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thì rất phức tạp, nên nhiều năm nay trên địa bàn phường, về an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm thì tương đối tốt. Người cao tuổi thì lại rất phát huy về vấn đề phong trào thể dục thể thao, các cụ rất chăm chỉ, đi thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đánh bóng, các cụ phát huy rất tốt…”

Tuy đời sống vật chất và tinh thần có nhiều chuyển biến tích cực nhưng bài toán về giao thông tại Cổ Nhuế nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra lời giải. Người dân nơi đây cũng đã quen với sự vất vả trong đi lại và chấp nhận nó như một thực tế phải đánh đổi cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở địa phương mình. Họ cho biết:

 

“Thực chất ra thì khi nhân dân phát triển rồi các nơi người ta về đông, các cơ quan, xí nghiệp bên ngoài người ta cũng vào nên trục đường chính để đi là luôn tắc đường, mật độ dân số cao nên tắc đường, thế thôi chứ thực tế mà nói những cơ sở vật chất của địa phương là ở trên rất quan tâm, chúng tôi kiến nghị cái gì là đến giám sát và thực hiện luôn”.

“Vì khu vực này đô thị hóa quá nhanh, dân cư thì đông, đường đi thì chật nên hàng ngày liên tục bị tắc đường; vì đi học, đi làm, hay nói ngay như chúng tôi đi họp đây lên phường chỉ 10 phút nhưng có khi tắc đường nửa tiếng không tới nơi”.

“Khi đô thị hóa nhanh thì nó kèm theo bao nhiêu hệ lụy, thứ nhất là đường đi lối lại. Nếu ở địa phương nào càng có nhiều dự án đầu tư về nhà cửa thì chắc chắn địa phương đó giao thông đi lại là khổ, khẳng định thế”.

“Vấn đề đi lại nó là chung thôi, vì ở đây có nhiều học sinh đến đây trọ nên rất đông, sáng chiều đều tắc, phải rẽ vào 2 cái ngõ này để phong tỏa ra 2 cái đô thị”.

Để giải quyết tình trạng trước mắt và tìm cách sống chung với tình trạng giao thông hiện nay, người dân Cổ Nhuế phải có những cách riêng.

Ông Hoàng Văn Hòa, trưởng ban quản lý di tích đình Viên và cũng là một người dân đang sinh sống tại Cổ Nhuế chia sẻ cảm thông với sự vất vả của người tham gia giao thông và của cả lực lượng cảnh sát phân luồng tại những điểm nóng ở Cổ Nhuế:

 

“Thực sự ra mà nói thì ở đây chúng tôi ở đây có các ngõ thông nên đôi khi có lực lượng bảo vệ hướng dẫn cho nhân dân rẽ vào các ngõ để thoát ra khu đô thị, chứ nếu mà không có người hướng dẫn thì chắc chắn là tắc ghê lắm. Ở đây không những người làng mà còn thiên hạ người ta đến, không biết rẽ vào đây có đi được không, nhưng ô tô không đi vào được, chỉ có ô tô con thì lọt được.

Cần có người hướng dẫn, cứ đến giờ cao điểm là phải xuống, nhất là điểm ở ngõ Cầu Xi, cho nên bây giờ trục đường đi vào Cảnh sát bây giờ sáng nào cũng khổ, trước đây cầu Noi sáng nào cũng tắc, bây giờ cũng thế, mà cái đoạn này không thông được nữa thì còn tắc nữa, 2 ô tô tránh nhau 1 cái là hàng tiếng đồng hồ không đi được luôn”.