Điểm sáng giáo dục trong thời kỳ 'bình thường mới'

Chính sự quyết tâm đổi mới, cập nhật những phương pháp, xu hướng giáo dục hiện đại, trẻ trung, loại bỏ tư duy, cách dạy và học cũ kỹ, sáo mòn, khô khan, đã giúp trường THCS Tân Định trở thành một điểm sáng về giáo dục...

Học sinh tự tin tham gia báo cáo trong buổi họp phụ huynh cuối năm học

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục phải đối mặt thách thức rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những kế hoạch bị phá sản, những thói quen phải xây dựng lại từ đầu, các nhà giáo phải tự làm mới bản thân với mục tiêu: Giúp học trò không bị hẫng kiến thức, trở lại trường học với tâm thế sẵn sàng. Ghi nhận của PV VOV Giao thông tại trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

“Việc tôn trọng lẫn nhau có nhiều biểu hiện. Nghĩa là không được nói thô tục, dùng bạo lực với bạn. Tôn trọng nhau là khi bạn phát biểu thì mình phải lắng nghe. Giữ gìn vệ sinh lớp học, lễ phép với thầy cô giáo…” -  Đó là lời thuyết trình của một học sinh lớp 6A trường THCS Tân Định trong buổi thảo luận nhóm. Hoạt động nằm trong giờ học STEM, một phương pháp giáo dục kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học; khuyến khích khả năng sáng tạo, tư duy logic, phát triển các kỹ năng mềm toàn diện trong khi không gây cảm giác nặng nề, quá tải đối với học sinh.

Em Nguyễn Anh Vũ và Nguyễn Bảo Oanh hào hứng chia sẻ về vai trò của bản thân trong lớp:

“Con thuộc nhóm hành chính ở lớp, mang tài liệu về cho các bạn, thu thập thông tin, thông báo từ nhà trường ạ".

“Con ở trong ban giám sát, con là tổ trưởng thường xuyên kiểm tra bài tập, nhắc nhở các bạn hoàn thành nhiệm vụ cô giáo, lớp trưởng giao. Con thích hoạt động ‘nhà pha chế tài ba’. Ngoài ra, cô còn cho cả lớp đi nhiều nơi, đi Sông Hồng resort để tham gia nhiều hoạt động”.

Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các em học sinh hào hứng tham gia

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giáo viên bộ môn Sinh học, phụ trách các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục định hướng STEM của trường THCS Tân Định chia sẻ: Lợi ích lớn nhất của hoạt động này là giúp học sinh tự tin, sáng tạo, làm chủ và hạnh phúc với môi trường học tập.

“Những bạn trước đó không học tập trung với cách học truyền thống, nhưng tham gia hoạt động STEM lại rất hào hứng. Tuy nhiên, có những chủ đề là điểm mạnh của bạn này thì làm rất tốt, nhưng lại là thử thách với bạn khác. Nhưng nếu tiếp tục tổ chức, các con sẽ được duy trì sáng tạo thoải mái, tự mày mò theo cảm nhận của mình, được sự hướng dẫn của giáo viên sẽ cho ra sản phẩm ưng ý. Dần dần, các con sẽ tự tin hơn trong việc chiếm lĩnh những kiến thức mới”, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết.

Chính việc lôi kéo, tạo hứng thú trong việc dạy và học đã giúp thầy trò trường THCS Tân Định vượt qua được thời gian học online đầy khó khăn và thách thức. Không chỉ xây dựng giáo trình, mỗi giáo viên cũng phải tự cập nhật và trang bị thêm nhiều kiến thức mới so với quá trình dạy học đứng lớp trực tiếp. 

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh nhấn mạnh, có một số học sinh không những giữ vững được học lực, không bị hẫng kiến thức, mà còn biểu hiện tiến bộ, mạnh dạn và đạt kết quả tốt hơn so với trước khi có dịch bệnh: “Khi tôi không có tiết vấn tham gia các tiết học khác ở lớp để hỗ trợ giảm bớt thời gian quản lý của giáo viên bộ môn như điểm danh, giám sát, chụp lại vở ghi ngay sau tiết học. Hoặc có biện pháp đặc biệt, nếu con không trả lời, vắng mặt nhiều quá thì sẵn sàng có lớp học tăng cường sau khi con trở lại trường”.

Em Ngân Hà, lớp trưởng lớp 6A chia sẻ về thời gian trở lại trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát: “Các cô nghiêm khắc hơn, chu đáo hơn, ôn tập rất kỹ. Các thầy thì ngoài việc học trên lớp, về còn tổ chức ôn tập qua ứng dụng Zoom nữa để có kỳ thi tốt ạ”.

Cô hiệu trưởng với học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo năm học 2019 - 2020

Nhà giáo Chu Thị Xuân Hường – Hiệu trưởng Trường THCS Tân Định chia sẻ, nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa ban giám hiệu, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cùng học sinh và cả phụ huynh, nhà trường đã giữ vững được kết quả học tập so với năm học trước: “Nhà trường rất cố gắng để các con yêu thích đến trường, coi trường là ngôi nhà. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất lớn, là linh hồn của lớp học. Chúng tôi trao cho họ quyền tự chủ trong công tác chủ nhiệm, tự sáng tạo, đổi mới, học hỏi kiến thức xã hội, điểm mạnh ở các nơi để đưa những điều hay, điều tốt về giảng dạy học sinh”.

Theo nhà giáo Chu Thị Xuân Hường, trong 2 năm trở lại đây, trường THCS Tân Định đã nghiên cứu và ứng dụng hoạt động STEM, mời chuyên gia ở Đại học sư phạm để bồi dưỡng cho giáo viên của trường.

Nhờ có kết quả tốt, được phụ huynh và Phòng giáo dục Quận đánh giá cao, trường quyết định tổ chức hoạt động này trên quy mô toàn trường 2 lần/năm, đồng thời mở một lớp học STEM mỗi tháng 1 chủ đề, nhằm khích lệ học sinh qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.

Chính sự quyết tâm đổi mới, cập nhật những phương pháp, xu hướng giáo dục hiện đại, trẻ trung, loại bỏ tư duy, cách dạy và học cũ kỹ, sáo mòn, khô khan, đã giúp trường THCS Tân Định trở thành một điểm sáng về giáo dục tại quận Hoàng Mai và Hà Nội, hiện thực hóa khẩu hiệu mà mỗi học sinh đều mong ước: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

---

Mời quý vị và các bạn cùng nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị ngày 20/7 tại đây: