Điểm báo sớm: Thông tin báo chí ngày 3/1

VOVGT - Mời các bạn lắng nghe chương trình đường tin để cùng cập nhật những vấn đề nóng được các báo đăng tải trong ngày hôm nay (3/1).

# Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thưc hợp đồng - xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Như vậy, sau khi dư luận lên tiếng rất nhiều lần về những bất cập tồn tại trong hình thức đầu tư hạ tầng giao thông này, Quốc hội đã chính thức vào cuộc. Để tìm hiểu về những nội dung chính mà ngành chức năng sẽ tập trung giám sát các dự án BOT, độc giả có thể tìm đọc bài đăng trên trang 4 báo Công an nhân dân, với tít: “Tìm lời giải cho nhiều bức xúc của dư luận”.

# “Cần phải có quy định chặt chẽ trong việc sử dụng ngân sách, thậm chí kể cả ngân sách của các dự án hợp tác cho việc đi nước ngoài”. TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ KH&ĐT, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc siết lại các chuyến đi công tác nước ngoài không hiệu quả làm tổn hao ngân sách và phung phí thời gian. Độc giả quan tâm, mời đọc bài phỏng vấn trên trang 3 báo Pháp luật TPHCM với nhan đề: Đi nước ngoài để học hỏi chứ đâu phải “tráng men”.

# Năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và được đánh giá là một trong năm thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những nguyên nhân khiến top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt có nhiều thay đổi lớn. Những thay đổi này được báo Pháp luật TPHCM đề cập cụ thể trong bài: “Nhiều tỉ phú người Việt lộ diện”, bài đăng trên trang 11.

# Năm mới là thời điểm mỗi người đều mong muốn tìm một cơ hội đầu tư cho riêng. Vậy vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán hay gửi tiết kiệm, đâu là kênh đầu tư sinh lời cao nhất trong năm 2017? Báo ANTD sẽ đem tới độc giả những phân tích và nhận đinh của các chuyên gia. Các bạn có thể tìm lời khuyên qua bài “Năm 2017: rót tiền vào giỏ nào dễ sinh lời” đăng trên trang 7 báo ANTD số mới nhất.

# Hàng loạt hãng ô tô dồn dập đưa ra nhiều chương trình giảm giá sau khi thuế nhập khẩu giảm. Các chuyên gia khuyến nghị cần có cam kết rõ ràng khi chọn mua những dòng xe giảm giá mạnh. Báo Tuổi trẻ TP HCM sẽ gửi tới độc giả những nhận định này qua bài “Ô tô giảm giá để đẩy hàng tồn?”. Các bạn quan tâm mời tìm đọc bài đăng trên trang 7 số ra hôm nay.

# Không chỉ Mỹ mà tới đây Úc, EU cũng sẽ có những quy định về xuất khẩu cá ngừ kèm với cam kết “bảo vệ cá heo” buộc ngư dân phải tuân thủ nghiêm ngặt. Do vậy nhiều doanh nghiệp lo lắng khả năng thiệt hại lớn, không thể xuất khẩu nếu ngư dân xâm hại cá heo khi đánh bắt cá ngừ. Những tâm tư của ngư dân và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này sẽ được gửi tới độc giả qua bài “Muốn bán cá ngừ, phải bảo vệ cá heo” đăng trên trang 6 báo TT TPHCM.

# Từ 1/1/2017, nhiều chính sách tiền lương mới sẽ được áp dụng đối với người lao động. Đây là tin vui đối với người lao động, song họ vẫn mong muốn tới đây làm thế nào để lương, thu nhập của họ đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống. Cùng độc giả bàn về câu chuyện cải cách tiền lương cho người lao động, trang 8 báo Lao động Thủ đô có bài: “Mong lương, giá sớm gặp nhau”.

# Mặc dù Liên đoàn Lao động TPHCM đã có nhiều chương trình đưa thực phẩm sạch đến công nhân, tuy nhiên công nhân chưa thể thay đổi ngay thói quen mua sắm từ các chợ tự phát, ưu tiên hàng giá rẻ, không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ... khiến chương trình gặp khó. “Công nhân chưa mua thực phẩm sạch, vì sao?” – câu hỏi cũng là nhan đề bài đăng trên trang 4 báo Lao Động cùng độc giả tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực tế này.

# Năm 2016, du lịch Hà Nội cán mốc 4 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp đáng kể vào con số 10 triệu lượt khách của cả nước. Bước sang năm mới, Hà Nội đã đặt mục tiêu mới cho ngành du lịch cũng như kế hoạch để tạo ra diện mạo mới. Xung quanh việc làm thế nào để du lịch thủ đô bứt phá trong năm 2017, ông Đỗ Đình Hồng, giám đốc Sở du lịch HN đã có những chia sẻ với báo ANTD qua bài “Mỗi du khách đến Hà Nội phải được hài lòng”. Bài đăng trên trang 3.

# Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ Giáng sinh hoặc đón năm mới, các trung tâm TP lớn như Hà Nội và TPHCM đều tràn ngập rác, nhất là trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hay các tuyến phố quanh Hồ Gươm. Lý giải về điều này, nhiều nhà xã hội học, tâm lý học lắc đầu, cho rằng đây là hậu quả của việc thiếu hụt môn học bảo vệ môi trường trong các trường học và báo động về ý thức của giới trẻ trong việc giữ gìn cảnh quan cho thành phố. Cùng độc giả bàn về những giải pháp cho câu chuyện nan giải này, báo Lao Động có bài: “Rác tràn ngập trung tâm sau lễ hội: Nên phạt nặng để nâng cao ý thức?”, bài đăng trên trang 6.

# Thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trên địa bàn các tỉnh, thành Tây Nam bộ, tỷ lệ người nghiện ma túy lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm khá cao. Riêng 7 tỉnh, thành khu vực sông Hậu, hiện có 9.000 người nghiện, thì 2/3 số này ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Đây cũng là nhóm đối tượng, gây ra hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật từ thành thị đến nông thôn. “Cảnh báo tội phạm ma túy lứa tuổi thanh thiếu niên” – là nhan đề bài đăng trên báo Công an nhân dân sẽ lý giải cho độc giả vì sao tội phạm trẻ hóa đang ngày càng gia tăng.

# Giáo dục- Đào tạo là một trong những ngành được xã hội quan tâm đặc biệt vì liên quan đến công tác “trồng người”. Trong những ngày đầu năm mới 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc trao đổi với báo chí để chia sẻ những việc mà ngành Giáo dục đã làm trong năm qua và dự định trong năm 2017. Phóng viên báo Lao động Thủ đô lược ghi lại một số nội dung chính và chia sẻ với độc giả trên trang 5, cùng bài viết: “2017 là năm đổi mới và hành động”.

# Nghỉ Tết kéo dài, ai quản sinh viên? – băn khoăn này được báo GDXH đặt ra ngay từ nhan đề bài đăng. Cụ thể, trong khi khối học sinh mầm non, phổ thông được nghỉ Tết nguyên đán 2017 từ 7 tới 14 ngày thì sinh viên nhiều trường đại học lại có lịch nghỉ tết kéo dài đến khoảng 1 tháng. Do vậy, công tác quản lý và xử lý vi phạm của sinh viên cũng trở nên bức thiết hơn. Quản lý như thế nào? Kỷ luật ra sao? Báo GDXH sẽ có câu trả lời trong bài đăng trên trang 12 số mới nhất.

# Nếu như các tỉnh thành khác thường sử dụng nước giếng hoặc nước mưa để luộc bánh chưng thì người dân Bờ Đậu (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) lại dùng nước suối trên núi đá sau làng để luộc bánh chưng. Người dân nơi đây gọi thứ nước này là báu vật trời ban cho làng? Phải chăng báu vật này giúp bánh chưng nơi đây có phong vị riêng? Báo GDXH tìm hiểu câu chuyện và gửi tới độc giả qua bài “Về nơi luộc bánh chưng bằng nước giếng trời".