Dịch vụ quanh viện: Hà Nội thưa thớt, Sài Gòn đìu hiu

Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, bệnh viện là nơi có nguy cơ lây nhiễm rất cao, kể cả người kinh doanh các dịch vụ tự phát quanh khu vực.

Mặc dù lượng khách đã giảm mạnh, nhưng trường hợp người phụ nữ bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM dương tính với COVID-19 mới đây đang dấy lên những lo ngại này.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Khung cảnh đìu hiu trước cổng bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Hải Bằng

Từ tờ mờ sáng, hàng nước của bà Phạm Thị Yên đã mở cửa, bán cho khách mua về. Quán nằm đối diện cổng bệnh viện Việt Đức, hàng ngàn người qua lại mỗi ngày, thế nhưng trong mùa dịch này, thu nhập của bà cũng bị giảm đi tám, chín phần: “Cửa viện thì đóng không cho bán, bán mang về thì không có người mua.

Mình phải chấp hành, ngày nào công an phường cũng đi rất nhiều lần. Khách mua phải đeo khẩu trang và ngược lại mình bán cũng phải đeo khẩu trang và đứng từ xa đưa cho khách mang về.

Anh Lê Văn Huy một xe ôm công nghệ chia sẻ: Vẫn biết cổng bệnh viện là nơi nhiều người qua lại, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhưng đây lại là khu vực dễ bắt khách, nhiều đơn hàng, nên đa số anh em xe ôm và taxi công nghệ vẫn bám, có lúc kín cổng viện.

“Các đơn hàng cũng giảm đi già nửa. Hàng ngày ra đường cũng chỉ đủ sống. Có những hôm được nhiều đơn, có hôm cũng chẳng đủ tiền ăn. Mình cũng bảo vệ bản thân bằng cách mang khẩu trang đầy đủ, dung dịch vệ sinh đi cùng để đảm bảo cho mình và khách hàng”, anh Huy cho biết.

Nhiều hàng quán phải đóng cửa do ế khách. Ảnh: Hồng Lĩnh

Còn tại TP. HCM, đã hơn nửa tháng nay, kể từ khi Thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, các bệnh viện hạn chế thăm nuôi, bệnh nhân không ra vào mua cơm, cháo, bánh mì, khiến quán hàng ế ẩm, cầm cự hoặc cửa đóng then cài.

Chị Trần Thị Hạnh, bán hàng tại khu vực Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM chia sẻ: “Từ sáng tới chiều bán chưa được 5-6 tô. Hôm qua bán được có hai tô cháo thôi. Lo lắm.

Nhưng giờ cuộc sống phải bươn chải. Bây giờ dọn vô nhà thì không được, bắt buộc phải ở lại ngoài này vậy đó. Với mình cũng sống tha hương nữa, có phải mướn chỗ này không đâu. Phải mướn nhà cửa ở nữa”.

Khung cảnh vắng khách trước cổng khu vực Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM. Ảnh: Hồng Lĩnh

Con đường Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh mặt tiền của Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ còn lác đác hàng quán. Mặc dù Thành phố đã có khuyến cáo không nên mua bán tại các khu vực đông người, điểm kinh doanh tự phát nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, nhưng vì mưu sinh, người dân buộc phải mở hàng.

Chị Nguyễn Mỹ Trang, bán hàng tại khu vực Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: “Đồn thì đồn vậy, cũng sợ nhưng tại vì kinh tế khó khăn thì vẫn phải làm. Dịch thì cũng sợ. Nhưng mình cũng bịt khẩu trang, mình mang mắt kiếng. Ngày xưa bán cả chục xoong, 8 xoong, giờ bán được có 1 xoong cũng không hết nữa”.

Dù vắng khách nhưng nhiều người dân vẫn mở hàng để mưu sinh. Ảnh: Hồng Lĩnh

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, khu vực bệnh viện thường xuyên có đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và chấm điểm theo quy định của Bộ Y tế. Còn đối với các hàng quán tự phát quanh khu vực bệnh viện, trách nhiệm thuộc về chính quyền và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

 “Khi có các nguy cơ có thể mình phải giảm hoặc dừng các hoạt động không thiết yếu. Tăng cường chỉ đạo các đơn vị để kiểm tra, rà soát, có các đoàn liên ngành như Công an, chính quyền để phối hợp.

Đặc biệt là các đối tượng như xe ôm, grab khi trả khách cố gắng giải phóng người ta nhanh nhất, không tụ tập trước cổng bệnh viện để tạo ra tập trung đông người”, ông Khổng Minh Tuấn nói.

Yêu cầu đóng cửa quán ăn, trà đá, cafe vỉa hè, chỉ cho phép bán đem về hay giãn cách trong các dịch vụ khác là một giải pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đa số người dân đã thực hiện nghiêm túc, thì vẫn còn những hàng quán cố duy trì hoạt động để vớt vát phần nào doanh thu, hoặc vì chưa ý thức hết nguy cơ lây lan dịch bệnh. Điều này đòi hỏi sự nhắc nhở thường xuyên từ phía các cơ quan chức năng, để họ chấp nhận và khắc phục những khó khăn tạm thời, đặt an toàn sức khỏe cộng đồng lên trên hết.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: