Đề xuất trông giữ xe dưới lòng đường: Liệu có khả thi?

VOVGT- Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CATP Hà Nội đã đề xuất ý tưởng cho phép trông giữ xe trên lòng đường một số tuyến phố nội thành có mặt cắt 7,5m trở lên

Nghe nội dung chi tiết tại đây 

 

Mới đây, Ban Chỉ đạo 197 thành phố và Phòng CSGT- CATP Hà Nội đã đề xuất Sở GTVT nghiên cứu cấp phép cho trông giữ xe dưới lòng đường tại 87 tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên để giải quyết nhu cầu đỗ xe trước mắt cho người dân. Trong đó, 35 tuyến phố có thể trông giữ xe 2 bên đường, 52 tuyến phố có thể tổ chức trông giữ xe 1 bên đường.

Một điểm trông giữ xe dưới lòng đường trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Trao đổi với báo chí về đề xuất này, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội Vũ Ngọc Thắng cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng của Ban chỉ đạo 197 và Phòng CSGT Hà Nội, nhưng giải pháp này là cần thiết và có tính khả thi cao. Theo ông Vũ Ngọc Thắng, Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, đối với đường 1 chiều, lòng đường tối thiểu 7,5m thì cho phép đỗ xe bên phải phần xe chạy; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 10,5m thì cho phép đỗ xe 1 bên; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 14m thì cho phép đỗ xe 2 bên. Khu vực nội thành hiện có nhiều tuyến phố đáp ứng tiêu chí này như: Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Nam Đồng, Phố Huế, Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu..

Đánh giá về tính khả thi của ý tưởng này, TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị cho biết đề xuất này khả thi vì người đi bộ ở nhiều phố tuy có nhưng không đông. Trong khi đó, nếu không có sự sắp xếp đỗ xe thì các hoạt động thương mại trong đô thị sẽ bị đình đốn.

 

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, với 237 điểm trông giữ được cấp phép, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa chỉ mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Thành phố hiện có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% số ô tô, 11% xe máy. Trong khi đó, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn chưa có bãi đỗ xe tĩnh quy mô lớn, hiện đại, mới chỉ dừng lại ở một vài mô hình thí điểm giàn đỗ xe thép cao tầng tự động, nhưng số lượng chỗ đỗ xe chưa nổi 100 xe. Bởi vậy, nếu không sớm có những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề đỗ xe tĩnh thì chỉ trong thời gian ngắn nữa Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng “khủng hoảng” chỗ đỗ xe.

Tuy nhiên, theo chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, mặc dù đây là ý tưởng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song TS Xuân Thủy cho rằng, đường phố mặt cắt 7,5m trở lên là không đủ để có thể đỗ xe. TS Xuân Thủy bày tỏ quan điểm:

 

Hơn nữa, theo TS Xuân Thủy, cơ quan chức năng cần xem xét đến yếu tố cấp hạng đường trong việc rà soát, cấp phép dừng đỗ phương tiện. Chẳng hạn, với các trục chính đô thị, đi xuyên tâm, chịu áp lực lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu... thì không nên cho phép dừng đỗ để tránh gây ùn tắc giao thông.

Ngay khi đề xuất cho phép trông giữ xe trên lòng đường một số tuyến phố nội thành có mặt cắt từ 7,5m trở lên được đưa ra thì cũng nhiều ý kiến băn khoăn về việc liệu ý tưởng này có mâu thuẫn với xu hướng hạn chế phương tiện cá nhân ở khu vực nội thành hay không? Giải đáp những băn khoăn này, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, 2 vấn đề này hoàn toàn không mâu thuẫn.

TS Phạm Sỹ Liêm lý giải, trước mắt sẽ khó có thể hạn chế được phương tiện cá nhân ngay lập tức. Trong khi đó, người dân lại đang thiếu chỗ đỗ xe nên việc cho trông giữ xe dưới lòng đường tại tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên sẽ giải quyết nhu cầu đỗ xe trước mắt cho người dân. Còn về lâu dài, sau khi phát triển được phương tiện giao thông công cộng thì người dân sẽ tự hạn chế phương tiện cá nhân và chuyển đổi.

TS Phạm Sỹ Liêm cho biết:

 

Theo rà soát sơ bộ của Sở GTVT, với 87 tuyến phố này sẽ có thêm khoảng 300 điểm đỗ xe. Các chuyên gia nhìn nhận, việc cho phép đỗ xe trên lòng đường 87 tuyến phố có mặt cắt đáp ứng các quy định là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Hà Nội. Tuy nhiên, trong 87 tuyến phố được Ban chỉ đạo 197 đề xuất, liên ngành cần rà soát kỹ càng, không nên cấp phép dừng đỗ xe trên các tuyến phố là trục chính, đường xuyên tâm vì áp lực phương tiện trong giờ cao điểm, từ đó tiềm ẩn khả năng ùn tắc giao thông.