Đề xuất thu phí xử lý nước thải và thoát nước

Tỷ lệ thu gom nước thải của phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%, bình quân lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 16% trên tổng lượng nước thải cần được thu gom xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Luật Cấp, Thoát nước gồm 08 Chương, bao gồm 75 Điều.

Mục đích xây dựng Dự thảo Luật Cấp, thoát nước là nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, làm công cụ quản lý, phát triển cấp nước sạch, thoát nước mưa chống ngập và thu gom, xử lý nước thải. Đồng thời, cung cấp nước sạch ổn định, bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân; Kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng nước, hộ thoát nước, của các tổ chức, cá nhân đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước và Nhà nước.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước được xây dựng trên quan điểm, các quy định của Luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật liên quan, huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện, thoát nước và xử lý nước thải theo hướng dịch vụ công ích. Dự thảo Luật kế thừa, phát triển những quy định từ Nghị định số 117 và Nghị định số 80 và quy định các nội dung về cấp, thoát nước còn thiếu, khoảng trống trong các Luật hiện hành;

Đáng chú ý, tại Chương 6, Dự thảo Luật đã quy định 10 điều về giá nước sạch và dịch vụ thoát nước. Trong đó, quy định nguyên tắc định giá, căn cứ, phương pháp định giá và điều chỉnh giá nước sạch.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước quy định chi tiết thẩm quyền quyết định giá, điều chỉnh giá; Nguyên tắc, căn cứ và phương pháp định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải và quản lý, sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước.

Giá dịch vụ thoát nước được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý trong hoạt động quản lý vận hành, bảo trì mạng lưới thoát nước và toàn bộ chi phí xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tổ chức lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh giá dịch vụ thoát nước. Dự thảo cũng quy định về phương thức thu tiền giá dịch vụ thoát nước và  ưu tiên sử dụng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước cho các hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.

Sau khi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban ngành về Luật Cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, chỉnh lý và dự kiến cuối tháng 12 này sẽ trình Bộ Tư pháp thẩm định và tháng 3 là sẽ trình Quốc Hội và dự kiến tháng 10/2025 sẽ thông qua .

ộ Xây dựng đề xuất thu phí xử lý nước thải và thoát nước Nguồn: VOVGT

NGUỒN THU VÀ GIÁ DỊCH VỤ RẤT THẤP

Dự thảo Luật, Cấp thoát nước có những điểm gì đáng chú ý? Vì sao bạn soạn thảo lại đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ thoát nước? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết về những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật phòng, chống thoát nước Bộ Xây dựng đang xây dựng và hoàn thiện?

Ông Tạ Quang Vinh: Trong Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, chúng tôi đã đưa ra được một số điểm mới. Thứ nhất, quản lý hoạt động cấp thoát nước theo chu trình tuần hoàn; khai thác, sử dụng thu gom nước thải xả ra dòng chảy thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề rất mới và bảo vệ môi trường hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, xây dựng Cổng thông tin điện tử về dữ liệu về cấp thoát nước nhằm giám sát trực tuyến chất lượng dịch vụ cấp thoát nước, kết hợp lưu trữ, chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu cấp thoát nước.

Thứ ba, quản lý quy hoạch cấp thoát nước trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh quy hoạch đô thị nông thôn thông qua quản lý vùng cấp nước vùng phục vụ cấp nước lưu vực thoát nước mưa, lưu vực thoát nước thải.

Thứ tư, quản lý, khai thác tài sản công trình cấp thoát nước quy định về quản lý, cấp thoát nước an toàn nhằm kiểm soát các nguy cơ rủi ro liên quan đến dịch vụ cấp thoát nước.

Thứ năm, quy định về giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước có tính an sinh xã hội và có tính đặc thù, chuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu dịch vụ công ích được Nhà nước hỗ trợ vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh theo từng lĩnh vực, đối tượng dùng nước và xả thải từng vùng ền.

Cuối cùng, thúc đẩy sự chung tay của Nhà nước và người dân về nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải thông qua nguồn vốn nhà nước và lộ trình giá dịch vụ thoát nước được thu hồi từ chi phí quản lý, vận hành tiến tới bổ sung, thu hồi chi phí đầu tư nhà máy xử lý nước thải, thúc đẩy đầu tư nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP.

PV: Vì sao Ban soạn thảo lại đề xuất xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải?

Ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

Ông Tạ Quang Vinh: Ban soạn thảo Dự thảo Luật cấp, thoát nước quy định cơ chế  xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì, hiện nay tỷ lệ nước thải thu gom, xử lý nước thải chỉ đạt khoảng 17%, gây áp lực ô nhiễm tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và ô nhiễm môi trường.

Trong nhiều năm qua, đầu tư thu gom hệ thống xử lý nước thải chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA. Mặt khác, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường, giá dịch vụ thoát nước rất thấp, thậm chí không đủ cho chi phí vận hành hệ thống thoát nước xử lý nước thải và đang được bổ sung từ ngân sách nhà nước. 

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải rất lớn, gấp 3 đến 10 lần so với đầu tư hệ thống cấp nước trong thời gian tới để thu gom và xử lý 100 % nước thải xả ra môi trường, nhà nước  cần sự chung tay đồng lòng của người dân và của toàn xã hội.

Dự thảo Luật cấp, thoát nước đang hướng tới sự tham gia của Nhà nước trong đầu tư hệ thống thoát nước mưa, thu gom nước thải, người dân và người xả thải phải có trách nhiệm chi trả giá dịch vụ thoát nước đáp ứng đủ các chi phí vận hành và có lộ trình thu hồi chi phí đầu tư nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh đó sẽ có nguồn lực huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý nước thải theo hình thức PPP với sự tham gia của Nhà nước và cộng đồng dân cư.

Giá dịch vụ thoát nước đang hướng tới ngang bằng với giá nước sạch và cùng hướng tới sự hòa nhập giá dịch vụ thoát nước của các nước trên thế giới.

Lấy ví dụ, bây giờ người dân của chúng ta đi mua xăng, đổ bao nhiêu tiền là người ta đổ và hàng tháng thì cứ  gõ cửa để giả tiền điện dùng bao nhiêu tiền chúng ta trả tiền điện, trả hóa đơn nước nhưng xả thải thì chúng ta mới chỉ tính phí môi trường.

Do vậy, việc chuyển lộ trình thành giá, chúng ta dùng một khối nước thì chúng phải xả thải ra một khối nước thì chúng ta phải có trách nhiệm đóng tiền mà chúng ta xả thải ra môi trường. Chính vì có tiền để quay ngược lại tái đầu tư vận hành, quản lý nhà máy và xây dựng nhà máy mới và hệ thống nước thải thì môi trường thì chúng ta mới giảm thiểu được.

PV: Nếu dự thảo được ban hành sẽ có tác động xã hội như thế nào thưa ông?

Ông Tạ Quang Vinh: Thứ nhất, chúng ta đem lại được cuộc sống bình đẳng cho tất cả người dân trên toàn quốc. Mọi vùng ền đô thị hay nông thôn đều được dùng nước sạch.

Thứ hai, xác định tính đúng tính đủ cho các nhà đầu tư để người ta tham gia vào quá trình đầu tư theo hình thức PPP và  đảm bảo cân bằng được chất lượng nước cho người tiêu dùng.

Thứ ba, chúng ta sẽ đảm bảo bình đẳng đối với các doanh nghiệp ngoài nước tham gia vào lĩnh vực ngành nước.

Thứ tư, khi chúng ta có giá rồi thì chúng ta lấy ngân sách đấy đầu tư và phát triển các hệ thống thoát nước và như thế thì các ao hồ sông ngòi và các tuyến thoát nước ô nhiễm trong đô thị sẽ được giải quyết triệt để vì hiện nay chúng ta vẫn đang giải quyết những vấn đề này đang trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà ngân sách Nhà nước và các chính quyền địa phương thì đôi khi không đáp ứng đủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

CHÍNH SÁCH ĐỂ XÃ HỘI HÓA

Vì sao cần thiết phải quy định lộ trình điều chỉnh mức phí, giá đối với nước thải sinh hoạt. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với  TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông trong Dự thảo Luật Cấp, thoát nước có đề xuất các nội dung liên quan tới việc xử lý nước thải, thoát nước đối với các hộ gia đình. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của quy định này?

TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cấp Thoát nước Việt Nam

TS Trần Anh Tuấn: Thoát nước là một loại dịch vụ công ích, đã là dịch vụ công ích thì những công trình ấy là tài sản công của Nhà nước, việc đầu tư dựa vào ngân sách, kể cả hệ thống hạ tầng của các khu đô thị cũng là tài sản của Nhà nước bàn giao cho chính quyền địa phương.

Đây cũng là khó khăn khi ngân sách hạn chế thì việc đầu tư cũng hạn chế. Sau khi quy hoạch phải làm một cái khung của hạ tầng đô thị rồi mới phát triển đô thị mà nguồn lực hạn chế nên khi phát triển đô thị còn thiếu nội dung này.

Tôi thấy rằng trong Luật Cấp, thoát nước thì Bộ Xây dựng đã có đánh giá về nội dung này và sẽ quan tâm đến hệ thống cấp thoát nước của các đô thị. Hiện Luật chưa có nên cơ chế nằm ở các Luật khác nên trong Luật Cấp, thoát nước cần đề cập vấn đề này để có tính pháp lý đối với ngành thiết yếu, không thể thay đổi đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của con người.

PV: Vậy ông có đóng góp ra sao với việc xây dựng quy định về lộ trình điều chỉnh mức phí, giá đối với xử lý nước thải, thoát nước ở các hộ gia đình trong Dự thảo này?

TS Trần Anh Tuấn: Thoát nước là dịch vụ công nên chính quyền cần quan tâm nhiều hơn và có cơ chế để tính giá nước thải, nước mưa nhưng phải có lộ trình. Chúng ta nên xem xét giai đoạn đầu chỉ tính toán việc vận hành hệ thống thoát và xử lý nước thải còn lại Nhà nước đầu tư.

Khi kinh tế, xã hội phát triển và các nguồn thu đảm bảo thì có lộ trình tiếp là đầu tư hệ thống thoát nước để xã hội hóa việc đó. Các doanh nghiệp và người dân khi có lộ trình rõ ràng về đầu tư phát triển, cơ chế chính sách thì sẽ tham gia. Tôi nghĩ cần có chính sách thống nhất để xã hội tham gia để điều kiện sống của người dân ngày càng tốt hơn. 

PV: Xin cảm ơn ông!

THU PHÍ THOÁT NƯỚC DÙNG VÀO VIỆC GÌ?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề xuất của Bộ xây dựng về điều chỉnh giá thoát nước, xử lý nước thải. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý đến việc quản lý và sử dụng số tiền thu phí thoát nước và xử lý nước thải:

"Đối với Việt Nam chúng ta trong thời gian qua thì mình chỉ có thu cấp nước  sạch, còn bây giờ theo hướng mới là thu cả phí thoát nước.Tôi nghĩ đây là một điều rất cần thiết.Thí dụ mình thoát nước ở đâu, thoát nước ra môi trường, doanh nghiệp, Nhà nước cũng cần phải xử lý môi trường, do vậy chúng ta cần phải thu phí. 

Tuy nhiên, cũng phải làm có lộ trình, làm từng bước đối với thoát nước và mức độ thu đó ở mức hợp lý nhất để cho người dân sống ở đô thị họ chấp nhận được và Nhà nước cũng nên có chính sách đối với hộ nghèo, hộ khó khăn. Tôi đề xuất là công khai tiền thu phí thoát nước sử dụng vào mục đích gì, làm gì, ở đâu, ra làm sao để người dân biết".

Hiện nay, nhiều đô thị đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải nhưng vận hành không đạt công suất thiết kế do chưa đầu tư đồng bộ, người dân chưa đấu nối với hệ thống thoát nước. Mặt khác, mỗi địa phương có mô hình tổ chức quản lý vận hành thoát nước khác nhau dẫn đến quyền chủ động trong hoạt động quản lý, vận hành, phát triển hệ thống thoát nước còn hạn chế.Hiện nay chưa có quy định kiểm soát năng lực quản lý vận hành của đơn vị thoát nước, tăng nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Những quy định mới của Dự thảo Luật Cấp, thoát nước  sẽ khắc phục những bất cập trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Luật Cấp, thoát nước? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Luật Cấp, thoát nước, tình trạng ônhiễm nguồn nước, ngập úng có được khắc phục?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Cấp, thoát nước quahotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổngthông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.