Đề xuất gỡ khó về vật liệu dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Ngày 8/3, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải quyết các mỏ vật liệu phục vụ đất đắp cho dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang thiếu hụt nghiêm trọng đất đắp. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Theo đó, để có cơ sở gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho nhà thầu cấp theo “cơ chế đặc thù” thi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ngày 26/12/2022, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn xin ý kiến Thủ tướng xem xét đồng ý cho phép tỉnh Bình Thuận giải quyết gia hạn giấy phép khai thác 6 mỏ đất đắp cung cấp vật liệu thi công dự án.

Trước đó, ngày 6/1/2023, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục có công văn báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đồng ý về đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các báo cáo và kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Bình Thuận để hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện theo quy định pháp luật.

Ngày 23/2/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, các tổ chức được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên không còn các quyền theo quy định của Luật Khoáng sản. Do đó, việc gia hạn cho các giấy phép này là không có cơ sở và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét việc cấp lại giấy phép cho các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản (cấp mới) nhà thầu cần phải thực hiện nhiều thủ tục như: thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định, bàn giao đất cho địa phương và hoàn thành nghĩa vụ liên quan khi giấy phép khai thác hết hạn. Sau đó, nhà thầu phải lập lại hồ sơ cấp phép khai thác mới gồm: phê duyệt trữ lượng khoáng sản, môi trường, cấp mới hoặc gia hạn chủ trương đầu tư, thuê đất…

Trong khi đó, dự án phải đưa vào sử dụng chậm nhất vào ngày 30/4/2023 theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. Do đó việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp lại giấy phép theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường không khả thi về tiến độ để thực hiện.

Từ các nội dung vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo, đề xuất giải pháp cơ chế tháo gỡ để địa phương triển khai thực hiện giải quyết cho các nhà thầu tiếp tục được khai thác phục vụ cho dự án.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), nhu cầu vật liệu đất đắp cho đường gom, đường dân sinh của dự án cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng 920.000 m3 và 6 mỏ đất đắp đã cấp cho nhà thầu đều đã hết hạn. Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hồ sơ xin gia hạn 6 mỏ đất đắp này không có cơ sở để giải quyết theo quy định của Luật Khoáng sản.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km đi qua tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư là 10.854 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành 30/12/2022 và sau đó được gia hạn đến ngày 30/4/2023./.