Đề xuất giải pháp cho 4 trạm BOT chưa được thu phí

Bộ GTVT và nhà đầu tư đang rốt ráo tháo gỡ khó khăn, xử lý những bất cập tại các trạm BOT chưa được thu phí.

Trạm thu phí Bờ Đậu chưa được thu phí. Ảnh GT

Theo Bộ GTVT, kết quả rà soát trạm thu phí của 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư xử lý được 16/21 trạm.

Hiện vẫn còn 4 trạm chưa được thu phí là Trạm Bỉm Sơn (QL1, tỉnh Thanh Hóa); trạm Bờ Đậu (QL3, tỉnh Thái Nguyên); trạm La Sơn - Túy Loan (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và trạm T2 (QL91, TP.Cần Thơ).

Nguyên nhân được Bộ GTVT chỉ ra là do giảm giá vé cho phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, 5. Bên cạnh đó, chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT.

Đồng thời, do hoàn cảnh thay đổi, không lường trước được như lưu lượng xe qua trạm ở một số tuyến thấp so với dự báo và việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí khiến phương tiện tránh trạm thu phí.

Bộ GTVT cho biết, tuy đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhưng do tính chất đặc thù nên các giải pháp đều chưa thể xử lý.

Để xử lý triệt để cần bố trí vốn Nhà nước nên vượt thẩm quyền của Bộ. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhằm giải quyết 3/4 trạm thu phí (trạm Bỉm Sơn, trạm Bờ Đậu và trạm T2).

Đối với trạm La Sơn - Túy Loan kiến nghị bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác nhằm thay thế quyền thu phí.

Trong giai đoạn chờ xem xét, cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với các khoản vay tín dụng tại các dự án này.

Liên quan đến vướng mắc về doanh thu, Bộ GTVT cho biết, đang chỉ đạo rà soát, đánh giá cụ thể điều kiện của từng dự án BOT và đề xuất lộ trình tăng phí phù hợp.

Việc này vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT nhưng không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ quyết định theo thẩm quyền và sớm triển khai thực hiện.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu khoản nợ, khoanh nhóm nợ đối với một số khoản vay tín dụng đầu tư BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu do sụt giảm doanh thu.