Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội, không giảm lệ phí trước bạ

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội nhưng không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ.

Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. 

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội nhưng không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh nh họa baochinhphu

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và nền kinh tế nói chung…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

"Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA)", Bộ Tài chính nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.

Dù không đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội.

Cụ thể, trong báo cáo vừa gửi tới Chính phủ về chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính nêu ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án: Không gia hạn thời gian giãn hoãn và gia hạn thời gian giãn hoãn thuế TTĐB.

Phương án 1: Không gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo Bộ Tài chính, phương án này giúp bảo đảm tuân thủ quy định về đối xử quốc gia của WTO và các hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia, tuy nhiên, sẽ khiến ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể gặp khó khăn.

Phương án 2: Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9-2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế sau gia hạn muộn nhất ngày 20-11-2023. Tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất khoảng 10.400 tỷ đồng - 11.200 tỷ đồng.

Trong trường hợp Chính phủ cho phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.