Đề xuất dùng ngân sách thanh toán cho BOT: Chỉ là giải pháp tình thế?

Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất dùng ngân sách Nhà nước để chi trả cho chủ đầu tư của một số trạm BOT đặt không đúng vị trí, nhằm đảm bảo hoàn vốn, xóa trạm. Liệu đây có phải là giải pháp triệt để cho vấn đề nhiều trạm thu phí bị người dân phản đối quyết liệt

Trường hợp quá khó khăn, Bộ GTVT sẽ đề xuất dùng ngân sách trả cho chủ đầu tư BOT. Ảnh: Báo Thanh niên

Trao đổi với PV VOVGT về đề xuất này, Giáo sư- Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT chia sẻ:

PV: Giáo sư có nhận định như thế nào trước đề xuất của Bộ GTVT về việc dùng vốn ngân sách để thanh toán cho các trạm BOT bị phản đối?

GS-TS Từ Sỹ Sùa: Làm như vậy trong thuật ngữ chuyên môn là chia sẻ rủi ro của Nhà nước để khắc phục hậu quả. Đó là điều không ai mong muốn, nhà đầu tư cũng không mong muốn mà người dân cũng không mong muốn.

Tôi cho rằng, đây là giải pháp tình thế. Chứ nếu hiện tượng này xảy ra liên tục thì sẽ tác động rất xấu đến hình ảnh của BOT, cũng như tới hình ảnh của việc sử dụng ngân sách như thế là không hợp lý.

PV: Vậy làm thế nào để giải quyết tình trạng  nhiều trạm thu phí bị người dân phản đối trong thời gian qua, thưa Giáo sư ? 

GS-TS Từ Sỹ Sùa: Điều quan trọng là phải thẩm định tính khả thi của dự án một cách thận trọng, chi tiết. Tránh hiện tượng là có những cài cắm, nói cách khác là lợi ích nhóm, cũng như không nh bạch, không công khai.

Chúng ta phải làm kỹ càng hơn, phải luật hóa, giảm tối đa hiện tượng chỉ định thầu vì lợi ích nhóm xuất phát từ đấy. Tránh hiện tượng không tham vấn công chúng, hay nói khác đi là phải hài hòa 3 lợi ích. Đó là lợi ích của người sử dụng, lợi ích của doanh nghiệp cung cấp và lợi ích của Nhà nước. 

Một số dự án là tính khả thi không cao, tính hài hòa không cao. Sau khi thiết kế thì lưu lượng phương tiện không như mong muốn, dẫn đến kéo dài thời gian thu phí ra, rồi nâng mức thu phí lên, rồi khoảng cách giữa 2 trạm thu phí…

Đấy là một bài toán tổng hợp liên ngành chứ không phải chỉ riêng ngành giao thông vận tải. Quan trọng hơn là người ta sử dụng dịch vụ đấy phải cảm thấy như lợi ích của người ta được hài hòa. Những chính sách như vậy sẽ người dân người ta ủng hộ.

PV: Vâng, xin cảm ơn GS.