Đề xuất cấm vượt đèn xanh khi ùn tắc, bật đèn xe cả ngày

Trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất khi phương tiện tới nút giao có đèn, nếu đèn tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang ùn tắc. Ngoài ra, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tha

Theo Điều 13 của dự thảo sửa đổi Luật GTĐB, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc

Đề xuất cấm vượt đèn xanh khi nút giao thông đang ùn tắc

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến có một quy định rất đáng chú ý về việc người tham gia giao thông có thể bị xử phạt khi cố tình vượt đèn xanh trong trường hợp đi vào nút giao đang ùn tắc.

Cụ thể, tại Điều 13 của dự thảo sửa đổi Luật GTĐB về tín hiệu đèn giao thông quy định, tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc.

Tín hiệu đèn đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).

Tín hiệu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại có thể gây nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong khi đó, quy định của Luật GTĐB 2008 chỉ quy định ngắn gọn, tín hiệu xanh là được đi; Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Như vậy, nếu dự thảo mới được thông qua, trong trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố tình vượt có thể bị xử phạt. Thay vì các xe vẫn cố vượt qua vạch dừng khi đèn xanh bất kể nút giao ùn tắc và không bị phạt như quy định hiện hành.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 100 với lỗi vượt đèn đỏ, chủ phương tiện ô tô có thể bị phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng; tước GPLX từ 1 - 3 tháng hoặc từ 2 - 4 tháng nếu vượt đèn vàng mà gây ra tai nạn giao thông.

Nếu trường hợp vi phạm là xe máy, chủ phương tiện có thể bị phạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng.

Bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện

Xe máy phải bật đèn nhận diện cả ngày

Cũng trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, tại Khoản 3 Điều 27 quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Lý giải về quy định trên, Đại diện Bộ GTVT cho biết các quy định này đều được tham khảo từ công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện, đặc biệt với các xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong xe không phát hiện được.

Các nước thuộc Liên nh châu Âu (EU) và khu vực Bắc Mỹ đều đang áp dụng việc bật đèn chiếu sáng ban ngày (bao gồm cả xe máy lẫn ôtô) để tham gia giao thông. Còn trong khu vực ASEAN chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy..

Đèn chiếu sáng ban ngày là một dãy đèn LED gắn phía trước xe, có thể nằm trong cụm đèn pha chiếu sáng hoặc phía trên đèn sương mù, mục đích để giúp người tham gia giao thông phát hiện phương tiện giao thông, giảm thiểu tai nạn.

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định 100 quy định rõ, người điều khiển ô tô, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Mức phạt cho hành vi này từ 100.000 – 200.000 đồng