Để không trở thành 'bãi rác' ô tô, siết nhập khẩu xe đã qua sử dụng

VOVGT – Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng mức thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng là hợp lý, tránh để Việt Nam trở thành bãi rác ô tô.

‘Hẹp đường’ xe cũ

Quy định mới khiến xe ô tô đã qua sử dụng khó về Việt Nam. Ảnh: Reuters

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Bên cạnh việc nhiều loại linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% từ ngày 1/1/2018, một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định này là sửa đổi mức thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo chiều hướng tăng.

Cụ thể, với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh không quá 1 lít sẽ áp dụng mức thuế tuyệt đối ở mức 10.000 USD/xe. So với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 5.000 USD/xe, thì giá các dòng xe cỡ nhỏ trang bị động cơ dưới 1 lít nhập về Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.

Còn đối với ôtô chở người có dung tích xi lanh từ 1 lít trở lên và các loại xe ô tô chở người từ 10 - 15 chỗ ngồi kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 áp dụng mức thuế hỗn hợp. Cụ thể, ôtô trang bị động cơ có dung tích xi lanh từ 1.5 lít đến dưới 2.5 lít, mức tính thuế hỗn hợp sẽ bao gồm giá tính thuế của ô tô đã qua sử dụng nhân mức áp thuế từ 150% đến 200% và cộng thêm 10.000 USD/xe.

Các xe dùng động cơ có dung tích xi lanh từ 2.5 lít trở lên, mức thuế nhập khẩu sẽ được tính theo giá tính thuế ôtô qua sử dụng nhân với thuế suất 150% đến 200%, cộng thêm số tiền 15.000 USD/xe. Ngoài ra, theo Nghị định 125/2017, ô tô chở người từ 16 chỗ ngồi trở lên (kể cả lái xe) và xe có động cơ dùng để chở hàng hóa có khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 5 tấn thuộc nhóm hàng 87.04, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 150%.

Cùng với các điều kiện khắt khe về triệu hồi, bảo dưỡng theo quy định của Nghị định 116 trước đó, giới kinh doanh ô tô nhận định giá xe cũ sẽ cao hơn trước đây hàng trăm triệu đồng và có thể còn đắt hơn xe mới.

Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe cũ cho biết, tình hình kinh doanh nhập khẩu xe cũ vốn đã khó sẽ lại càng thêm khó kể từ năm 2018 và ô tô cũ dường như hết cửa về Việt Nam.

Tránh trở thành 'bãi rác' ô tô

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tăng mức thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng là hợp lý, tránh không để Việt Nam trở thành bãi rác ô tô - Ảnh Motors

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng việc siết nhập khẩu ô tô cũ là điều nên làm hiện nay.

Trao đổi với Phóng viên  Kênh VOVQT Quốc gia, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, tăng mức thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng là hợp lý bởi ngoài việc đảm bảo chất lượng xe lưu thông trên đường thì còn tránh không để Việt Nam trở thành bãi rác xe cũ của thế giới. Bên cạnh đó, cũng hạn chế được việc ồ ạt đưa xe cũ về với công nghệ lạc hậu, chi tiết linh kiện phụ tùng xe không phù hợp khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang Vinh cho rằng, về mặt lâu dài và chủ trương thì việc siết nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng là rất tốt, nhất là đối với việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng nêu băn khoăn về quy định mới đánh thuế xe theo dung tích xi lanh mà không phải là lượng phát thải. Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc trở thành bãi rác xe cũ thì các ngành chức năng cũng cần lưu tâm đến niên hạn xe nhập khẩu hay công nghệ, trang thiết bị được sử dụng trên xe chứ không chỉ theo dung tích xi lanh.

Có thể nói, việc thay đổi thuế nhập khẩu dành cho xe cũ cùng với những quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, sản xuất, lắp ráp ô tô được Chính phủ ban hành từ ngày 17/11/2017 thì việc kinh doanh xe cũ sẽ ngày càng bó hẹp. Bên cạnh đó, việc giá thành xe trong nước có thể giảm do thuế linh kiện ô tô nhập khẩu về 0% thì xe cũ nhập khẩu cũng khó có thể cạnh tranh.

Được biết trước đó, trong quá trình xây dựng Nghị định 125/2017, Bộ Tài chính cho biết, theo tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực ASEAN cho thấy, Chính phủ các nước có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô. Đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển, các nước đều có biện pháp tập trung bảo hộ thị trường nội địa để các doanh nghiệp trong nước có thời gian phát triển, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.

Theo đó, chính sách ưu đãi thuế tập trung vào mục đích tăng dung lượng thị trường thông qua việc tăng sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hoá và đều có chính sách ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe khuyến khích sản xuất, lắp ráp.