Để không quên nghĩa vụ sau khi hưởng hoa hồng hợp đồng bảo hiểm

Đã đến lúc cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn, để ngành bảo hiểm ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, cái tâm và trách nhiệm với nghề cần được xem trọng hơn nữa.

Những lùm xùm, thưa kiện, tố cáo liên quan đến bảo hiểm nhân thọ những ngày vừa qua phần lớn nguyên nhân lỗi từ phía các nhân viên tư vấn. Họ đã không làm tròn trách nhiệm và bổn phận, nghĩa vụ của mình với khách hàng.

Sẵn sàng dẹp quyền lợi chính đáng, lâu dài của người mua khi hợp đồng đã được ký. Hành vi kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, thậm chí vi phạm đạo đức của các tư vấn viên này có lẽ bắt nguồn từ cái gốc là không được đào tạo bài bản, chuyên sâu từ các công ty bảo hiểm.

Có nhân viên được tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau; làm bảo hiểm theo dạng” tay trái”, làm thêm. Bán được hợp đồng nào hưởng hoa hồng hợp đồng đó; quên hẳn nghĩa vụ phải duy trì sự bền vững với khách hàng đến tận cùng của hộ đồng.

Điều này cũng chứng tỏ nhiều công ty bảo hiểm chỉ vì chạy theo lợi nhuận, thu nạp nhân viên, tư vấn viên không kể trình độ, thái độ; bất chấp vi phạm đạo đức kinh doanh; đạt được mục tiêu là bỏ rơi khách hàng, thậm chí tấn công, “ném đá” khách hàng khi bị vạch trần, thưa kiện như đã từng diễn ra.

Trong khi Luật bảo hiểm cũng đã có; quy định về quyền lợi, trách nhiệm của các bên mua và bán, kể các bên tham gia. Tuy nhiên, việc giám sát công tác thực thi luật này ở nhiều nơi, nhiều lúc cũng không được quan tâm đúng mức, nhất là với các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Ở đây vai trò giám sát của Bộ Tài chính mà trực tiếp là Cục Giám sát Bảo hiểm nhiều lúc chưa tròn vai. Các công ty bảo hiểm nhân thọ nở rộ, hoạt động suốt một thời gian dài nhưng không được kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, chỉ đến khi dư luận bức xúc lên tiếng mới vào cuộc, kiểm tra xử lý là đi sau, đến muộn.

Đó là chưa kể, tình trạng nhiều ngân hàng bắt tay với đơn vị bảo hiểm, tư vấn, dẫn dụ người dân, doanh nghiệp muốn vay tiền phải mua bảo hiểm;khiến nhiều người vì cả nể mà phải mua nhưng không vui và nhiều lúc rất bất bình nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ảnh nh họa

Bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng là loại hình dịch vụ thiết yếu với đời sống. Bảo đảm khi có xảy ra các rủi ro trong tương lai về bệnh tật, biến cố, sự cố do khách quan;người mua sẽ được bảo hiểm chi trả tương xứng, bù đắp thiệt hại; giúp bản thân cá nhân và gia đình khắc phục được các khó khăn; vượt qua các nỗi đau; duy trì và ổn định cuộc sống.

Nhiều công ty, nhân viên bảo hiểm đã làm tốt vai trò, chức năng này; được khách hàng tín nhiệm cao.

Cũng vì lợi ích lâu dài như vậy nên hàng năm ở nước ta, số người mua bảo hiểm nhân thọ ngày càng nhiều; coi đó như một sự tiết kiệm đề phòng lúc hữu sự, khi rủi ro. Đây là tâm lý chung và cũng chính là kẽ hở để nhiều tư vấn viên lợi dụng để dụ dỗ.

Nhiều nhân viên tư vấn đã không nói rõ mục tiêu, mục đích; mặt được, mặt chưa được của các loại hình bảo hiểm. Họ dẫn dắt khách hàng vào các  ma trận hợp đồng chữ nghĩa; khiến nhiều người lầm tưởng bảo hiểm là một loại hình tiết kiệm, sinh lời lãi cao; nên sẵn sàng ký hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ.

Chỉ để khi đối chiếu hoặc sự gặp sự cố bị “bẻ chĩa” mới tá hỏa là mình bị tư vấn viên đánh lạc hướng, dẫn dụ ký đại và giờ gánh hậu quả. Lời không thấy mà số tiền góp hàng tháng quá lớn nhưng không thể dừng vì có nguy cơ mất trắng vì vi phạm hợp đồng.

Rõ ràng, thị trường bảo hiểm nhân thọ những ngày qua nổi lên với các bức xúc, bất bình khiến dư luận dậy sóng là hoàn toàn có căn nguyên từ các bên. Trong đó có cả vai trò của việc quản lý; các công ty bảo hiểm; nhất là sự vi phạm đạo đức của một bộ phận người bán bảo hiểm.

Do vậy, khi xác định mua bán bảo hiểm là một loại hình dịch vụ đặc thù thì công tác quản lý cần tiếp tục để tạo ra các khung pháp lý hoàn thiện, đầy đủ; có kiểm tra, giám sát; xử lý mạnh tay đối với các vi phạm; bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.

Đối với các công ty và đội ngũ nhân viên kinh doanh bảo hiểm phải hiểu rõ, bản thân muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào khách hàng.

Do vậy việc chăm sóc, sát cánh cùng khách hàng hướng tới chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn; chu đáo và chuyên  nghiệp hơn là điều bắt buộc. Tạo được niềm tin với khách hàng về uy tín và danh dự.

Về phía khách hàng cũng cần hiểu rõ mình là “ thượng đế” nên có quyền thận trọng, hiểu thấu đáo trước khi ký hợp đồng; không phó mặc sự hiểu biết của mình cho các tư vấn viên và các công ty bảo hiểm khi chưa được kiểm chứng đầy đủ về chất lượng phục vụ.