Để hàng Việt dễ dàng tiếp cận nhà bán lẻ ngoại

VOVGT - Để có thể tiếp cận nhà bán lẻ ngoại, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cần đảm bảo chất lượng cũng như dịch vụ hậu mãi chu đáo.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Việc đưa hàng vào kênh bán lẻ ngoại đang là hướng đi hiệu quả được nhiều doanh nghiệp trong nước theo đuổi. Theo các chuyên gia, đây là hệ thống phân phối quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời phát triển thương hiệu Việt. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận nhà bán lẻ ngoại, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cần đảm bảo chất lượng cũng như dịch vụ hậu mãi chu đáo.

Việc đưa hàng vào kênh bán lẻ ngoại đang là hướng đi hiệu quả được nhiều doanh nghiệp trong nước theo đuổi

Theo thống kê, tại thị trường Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó khoảng 110 cơ sở bán lẻ FDI quy mô trên 500 m2 thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của những thương hiệu nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon, Emart…

Nhiều doanh nghiệp trong nước nhận định, việc tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, đến phân phối tiêu thụ, bên cạnh đó, đáp ứng những tiêu chuẩn cũng như điều kiện khá khắt khe.

Theo ông Lâm Văn Lưu, Giám đốc công ty Rau quả sạch Ngọc Anh, đơn vị có sản phẩm phân phối tại một số siêu thị như BigC hay Co.opmart… , việc có mặt trong hệ thống phân phối nước ngoài là vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, khi đã đứng chân được thì đây như một sự đảm bảo và khẳng định đối với thương hiệu: “Các hệ thống siêu thị luôn tuân thủ và bán sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ. Do đó người tiêu dùng có thể an tâm, không phải lo ngại, nghi hoặc bởi sản phẩm đã được cơ quan chức năng đánh giá cấp phép bằng chứng nhận VietGap, tem truy xuất nguồn gốc hay mã vạch. Như vậy người tiêu dùng cũng rất dễ phân biệt hay đánh giá”.

 

Chia sẻ về quá trình hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trong hệ thống phân phối nước ngoài, Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group cho biết, định hướng lâu dài của Central Group và Big C Việt Nam là luôn coi các nhà cung cấp tại địa phương là nhà cung cấp chính, chiến lược cho sự phát triển, mở rộng hệ thống bán lẻ Big C tại Việt Nam.

Từ tháng 10/2016, Central Group đã phát động nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận hệ thống tiêu thụ nước ngoài. Bà Mai Linh cho biết: “Một năm, Big C tổ chức ít nhất là 4 chương trình lớn. Song song đó, hàng tháng liên tục chúng tôi đều có các chương trình từ ngành thực phẩm tươi sống cho đến ngành hàng tiêu dùng, sản phẩm làm đẹp, chăm sóc nhà cửa… Gần như là một năm 12 tháng trong hệ thống siêu thị Big C của chúng tôi đều có các chương trình quảng bà và xây dựng niềm tin yêu của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Việt Nam”.

 

Theo kế hoạch năm 2018, Bộ Công Thương dự kiến triển khai trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” gồm 3 loại hình hoạt động, đó là các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các tập đoàn phân phối nước ngoài thông qua các hội thảo, các đoàn xúc tiến thương mại hay các hoạt động xúc tiến thương mại khác; Tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hãng phân phối ở nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các hàng phân phối nước ngoài.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, từ nhiều năm nay, xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, để sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào hệ thống phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từ đó phục vụ người tiêu dùng trong nước cũng như có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trước hết phải đảm bảo về chất lượng, mẫu mã cũng như thị hiếu.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, trong cơ chế thị trường mở rộng và hội nhập như hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng. Để làm được điều này, doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm kiếm thông tin, đổi mới công nghệ cũng như nâng cao trình độ lao động: “Chúng tôi mong muốn, các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư cho vấn đề về công nghệ. Bởi công nghệ là yếu tố sống còn. Nếu có công nghệ tốt chúng ta sẽ có sản lượng tốt, chất lượng tốt và giá cả sẽ hết sức cạnh tranh”.

 

Rõ ràng, việc tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt, giúp sản phẩm khẳng định được chỗ đứng cũng như giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, các nhà cung cấp trong nước cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, bên cạnh đó, đầu tư nhiều hơn cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, nhất là các dịch vụ sau bán hàng để từ đó chinh phục niềm tin người tiêu dùng.