Để chớp cơ hội phát triển công nghiệp khi làm đường sắt tốc độ cao?

Chính phủ cần phải có những chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp đường sắt như: ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất cũng như ưu đãi đặt hàng để phát triển công nghiệp đường sắt công nghệ chạy trên ray và cả đường sắt đô thị.

Mới đây Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam với tốc độ 350km/h, vốn đầu tư 67,3 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD, đây là cơ hội để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt.

Để đón đầu cơ hội này, Tổng Công ty Đường sắt VN sẽ có những bước chuẩn bị như thế nào? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN xung quanh nội dung này. 

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam (ảnh vẽ bằng Al). Nguồn ảnh: chinhphu.vn

PV: Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam sẽ là cơ hội để VN phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Vậy để đón đầu cơ hội này, Tổng Công ty Đường sắt VN sẽ có những bước chuẩn bị như thế nào?

Ông Hoàng Gia Khánh: Đối với Tổng Công ty Đường sắt VN có 2 cơ sở công nghiệp đường sắt là Nhà máy xe lửa Dĩ An và Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Hai cơ sở này hiện đang tổ chức triển khai thực thực hiện đóng mới cũng như sửa, lắp ráp các phương tiện của đường sắt trên tuyến đường sắt hiện hữu, tỷ lệ nội địa hóa lên tới 70-80%.

Như vậy đối với tuyến đường sắt hiện hữu chúng tôi cơ bản đã làm chủ được công nghiệp đường sắt. Bên cạnh đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tập trung phát triển công nghiệp đường sắt, phục vụ và đón đầu việc thực hiện việc chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao.

Trên cơ sở đó chúng tôi đã chủ động làm việc với các đối tác nước ngoài, các nước có đường sắt phát triển để bàn các giải pháp nhằm thực hiện được mục tiêu tiến tới từng bước làm chủ công nghiệp đường sắt, đặc biệt là phương tiện đầu máy, toa xe cũng như là trong các thiết bị, linh kiện về thông tin tín hiệu và cơ sở hạ tầng đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện tốt nhất việc chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt.

Mục tiêu là tiến tới dần dần làm chủ công nghệ, làm sao chúng ta không phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ VN và đặc biệt là của lực lượng lao động ngành đường sắt, làm sao phát triển công nghiệp đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt VN giữ vai trò dẫn dắt hết sức quan trọng cùng các DN phát triển công nghiệp đường sắt.

Hiện nay Tổng Công ty Đường sắt VN đã xây dựng đề án phát triển công nghiệp đường sắt phục vụ đường sắt tốc độ cao.

PV: Với công nghệ chạy tàu hiện nay của VN là tàu chạy bằng diesel ngành đường sắt đã làm chủ và nội địa hóa được từ 70-80%, tuy nhiên, sắp tới đường sắt tốc độ cao sẽ được đầu tư theo hướng điện khí hóa. Vậy làm sao để ngành đường sắt có thể nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa?

Ông Hoàng Gia Khánh: Công nghiệp đường sắt hiện nay với công nghệ chạy tàu ở thế hệ thứ 2 (tức là động cơ đẩy chạy bằng dầu diesel) chúng tôi đã làm chủ và nội địa hóa được từ 70-80%. Tuy nhiên đối với công nghệ chạy trên ray và điện khí hóa, chạy với tốc độ 350km/h đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng, trong chiến lược phát triển và mục tiêu chung ngành đường sắt xác định phải tiến tới dần dần làm chủ được công nghệ này, đây là một bước tiến cũng là một quá trình mà chúng ta phải hoàn thành nó.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN

Để làm được điều này ngoài nội lực của ngành đường sắt là phải chủ động trong tổ chức đào tạo, đưa nguồn nhân lực đã được đào tạo trong nước ra nước ngoài để tiếp tục đào đào nâng cao liên quan đến công nghệ này; bên cạnh đó Chính phủ cũng phải xây dựng các chính sách để phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp đường sắt. Từ đó giao cho các DN như Tổng Công ty Đường sắt VN và các DN trong nước có đủ năng lực để đặt hàng tham gia phát triển về công nghiệp đường sắt, tiến tới làm chủ dần công nghệ này.

Đồng thời phải liên danh liên kết với một số đối tác trong nước và nước ngoài để chúng ta tổ chức xây dựng mô hình cũng như xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu về sản xuất các linh kiện, thiết bị của đầu máy toa xe và linh kiện của hệ thống hạ tầng như điện và thông tin tín hiệu. Từ đó đáp ứng được việc cung ứng, cung cấp tại chỗ, chủ động trong hoạt động sản xuất và điều hành chạy tàu hàng ngày.

PV: Để phát triển cơ khí đường sắt cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho DN Việt như thế nào?

Ông Hoàng Gia Khánh: Theo tôi Chính phủ cần phải có những chính sách ưu đãi để phát triển công nghiệp đường sắt như: ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất cũng như ưu đãi đặt hàng để phát triển công nghiệp đường sắt công nghệ chạy trên ray và cả đường sắt đô thị.

Đây là vấn đề chúng tôi đang hết sức quan tâm và phải có nguồn lực thì mới làm được; đồng thời phải quan tâm tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao cơ sở vật chất để chúng ta đáp ứng được việc tổ chức sản xuất và sửa chữa các phần linh kiện có thể trong nước, để tiến tới làm chủ từng bước.

PV: Xin cảm ơn ông.