Đề án Phát triển thị trường trong nước đem lại kết quả tích cực cho nền kinh tế

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Các đại biểu giữ đúng cự ly dãn cách tại hội nghị

Sự kiện nhằm tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án, đồng thời đề xuất nhiệm vụ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, sau 6 năm thực hiện, Đề án mang lại những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội phục vụ đời sống của người dân.

Đáng chú ý, việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá các nội dung với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” còn tạo thay đổi tích cực về nhận thức, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Chúng ta đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam suốt từ trung ương đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa ở các địa phương. Hàng Việt Nam không chỉ được quan tâm, tiêu thụ ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng sâu, vùng xa. Kể cả các khu công nghiệp, cũng như ền núi, biên giới, hải đảo hàng hóa Việt Nam cũng đã được đưa đến phục vụ người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu”.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019, 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết quan tâm tới Cuộc vận động, 67% xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt, 52% luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam.

Đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Đề án đã thiết lập hơn 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam.

Một số sản phẩm hàng Việt giới thiệu tại sự kiện

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhận định: “Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và cũng là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực ở trong nước để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước. Đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp khó khăn do khủng hoảng của kinh tế thế giới. Muốn giữ cho sự phát triển ổn định thì chúng ta phải đảm bảo được cung cầu ở trong nước và đảm bảo được an sinh xã hội. Và đề án Phát triển thị trường trong nước đã đáp ứng được yêu cầu đó”.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ hơn 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, từ 60% đến 96% tại các hệ siêu thị nước ngoài. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Ông Nguyễn Tiến Quảng, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá chia sẻ: “Tôi cho rằng Cuộc vận động có giá trị rất cao, bởi bản thân có những người ở nhiều vùng ền trong nước chưa biết đến sản phẩm của nhau thì có thể thông qua chương trình này. Cụ thể, chúng tôi có gian hàng tại chương trình như hôm nay thì các bạn hàng từ những vùng sâu, vùng xa những người chưa biết đến lụa Nha Xá thì có thể thông qua chương trình này sẽ biết đến”.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại trong nước.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng trong giai đoạn mới, đề án cần bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt; cùng với đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, đặc biệt là thương mại điện tử.