Đề án 1 triệu nhà ở xã hội còn vướng ở đâu?

Sau một năm triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cả nước đã có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn hộ.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai dự án còn nhiều khó khăn, hạn chế. Những rào cản đó là gì? 

Những hạn chế lớn tạo ra lực cản có thể nhắc đến như: việc giải ngân vốn ưu đãi từ gói 120 nghìn tỷ còn chậm; nhiều địa phương chưa quyết liệt; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, chính sách ưu đãi…

Đây là những thực tế được chỉ ra tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” trong năm 2024 vừa diễn ra.

Đáng nói, thủ tục làm nhà ở xã hội kéo dài là vướng mắc, khó khăn đầu tiên được nhiều ý kiến chỉ ra. Theo các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, thủ tục duyệt giá, duyệt đối tượng có thể kéo dài hàng năm. Thủ tục phê duyệt dự án có thể 3 năm chưa xong. Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn BĐS Lan Hưng cho biết:

"Khó khăn về duyệt giá và duyệt đối tượng hiện nay là kéo dài hàng năm. Dự án phê duyêt là chúng tôi có 36 tháng nhưng các thủ tục văn bản nhà nước thì đến chỗ nào cũng nửa năm với 7 hoặc 8 tháng thì làm sao thực hiện được dự án".

Ảnh: VGP

Bên cạnh thủ tục đầu tư còn rườm rà, tiếp cận vốn vay hay thậm chí là sự vào cuộc chậm chạp tại địa phương. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty HUD cho hay: "Theo chúng tôi đánh giá là chính sách là chúng ta đã trang bị đầy đủ. Vấn đề là thực hiện tại các địa phương, theo chúng tôi thì với những địa phương có sự quan tâm, thống nhất về nhà ở xã hội thì các dự án ở địa phương đó sẽ rất thuận lợi trong quá trình triển khai".

Tại một số địa phương trọng điểm, mặc dù nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội là cấp thiết, nhưng việc đầu tư xây dựng còn rất hạn chế. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu thực tế: "Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội thì rất lớn, nhưng việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, như Hà Nội mới chỉ triển khai được 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng được 9%. TP.HCM triển khai được 7 dự án với 4.900 căn, đáp ứng được 19%. Đà Nẵng có 5 dự án, với 2.750 căn, đáp ứng được 43%. Một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong giai đoạn vừa qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi… Một số địa phương chúng tôi thấy chưa có động thái để triển khai Đề án này".

Nhiều ý kiến đã chỉ ra hàng loạt vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.

Một vấn đề quan trọng chưa được giải quyết là nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 33 của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Hoàng Quân nêu ý kiến:

"Đối với nhà ở công nhân thì nên cho 10 đối tượng tham gia như nhà ở xã hội thì mới khuyến khích nhà đầu tư tham gia, tức là tạo thêm nguồn lực và cũng giúp người dân có điều kiện tham gia. Đối với gói tín dụng vay 4,8% thì hiện nay nguồn vốn chưa rõ ràng để phục vụ chương trình này. Tôi kiến nghị cần có một nguồn vốn tín dụng ổn định dành cho chương trình một triệu căn nhà ở xã hội này, bao gồm cả Ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội thì chương trình sẽ thành công".

Một khu nhà ở xã hội tại Bình Dương (Ảnh: Thanh Niên)

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để có kết quả như ngày hôm nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho biết, Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030 chỉ là sự khởi đầu, sẽ còn những việc lớn hơn cần thực hiện để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và đảm bảo nơi ở cho người dân có thu nhập thấp.

Nếu xây dựng thành công chương trình nhà ở xã hội thì sẽ góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Tôi đồng tình với việc sẽ cần phải có một nguồn tài chính. Đây là việc Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Không nên đề ra chính sách nào không phù hợp với cơ chế thị trường.

Vướng mắc thứ hai là cách tiếp cận để thế chấp các dự án liên quan đến nhà ở xã hội. Đất dành cho nhà ở xã hội là ễn tiền sử dụng đất nên không được thế chấp, nhưng tài sản hình thành trên đất thì được thế chấp. Thủ tục hành chính để doanh nghiệp vay, thế chấp cũng cần phải giảm đi".

Năm 2024, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; nỗ lực phấn đấu hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ. Theo Bộ Xây dựng, đây là mục tiêu rất cao, đòi hỏi các Bộ ngành và địa phương rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ./.