ĐBSCL: Giao thông phải đi đầu với 57.000 tỉ trong chiến lược '8G'

57.000 tỉ đồng là số vốn đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin sẽ dành cho giao thông Tây Nam Bộ trong giai đoạn tiếp theo tại hội nghị lần 3 sơ kết “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là một trong những công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý tại hội nghị lần 3 sơ kết “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, những kết quả đã đạt được là đáng mừng nhưng đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “G” ( 8G) để dễ vận dụng trong thực tiễn.

Trong đó chữ “G” đầu tiên là “Giao”. Tức là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu. 

Trên cơ sở này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển GTVT của khu vực ĐBSCL. Trong Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực 2 nhiệm vụ.

Thứ nhất, điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và  đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn. Trong 3 năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai hai nhiệm vụ này.

Tăng cường đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL

Đến nay, Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình thực hiện, Bộ cũng đã phối hợp với 13 tỉnh, thành phố và yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông địa phương, kết nối với hệ thống giao thông Trung ương để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của vùng và cả nước nói chung.

Một điểm mới mang tính đột phá mà Bộ trưởng cho biết, vùng ĐBSCL cần có 1 cảng nước sâu, cửa ngõ để đưa hàng hoá của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hoá từ thế giới về vùng. Do đó, ngành sẽ mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu có thể  đón tàu khoảng 100.000 tấn.

Cảng biển này kết hợp với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thì khu vực ĐBSCL sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt, đặc biệt là chuyển một số vùng đất bị nhiễm mặn thành khu vực công nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng, tính đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm ĐBSCL (nối Cao Lãnh–Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Ngoài ra, Bộ GTVT có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối TP. Cà Mau-Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc-Long Xuyên-Cần Thơ và Sóc Trăng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về kế hoạch đầu tư công 2021-2025 đối với ngành GTVT tại vùng ĐBSCL, Bộ đã thống nhất với Bộ KH&ĐT, sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỷ, so với nhiệm kỳ vừa qua là chỉ 29.000 tỷ. Bộ trưởng cũng mong các tỉnh vùng ĐBSCL cùng với Bộ thực hiện tốt kế hoạch để đến 2025, GTVT của vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững.