Dạy và học lịch sử: Đừng sa đà vào chi tiết

Hiện nay Bộ GD&ĐT đang rốt ráo chuẩn bị điều chỉnh chương trình lịch sử cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn theo yêu cầu của Quốc hội, dự kiến đưa vào áp dụng từ ngày 25/8 tới.

Vậy chương trình lịch sử cấp THPT cần được thiết kế theo hướng nào, phải đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử thế nào để đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng học vẹt, học thuộc lòng khiến học sinh không hứng thú?

Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

PV: Theo ông chương trình lịch sử cấp THPT phần bắt buộc cần được thiết kế theo hướng nào?

Ông Lê Như Tiến: Bác Hồ từng nói “dân ta phải biết sử ta” chúng ta phải coi môn lịch sử là môn bắt buộc.

Bởi đó là hồn cốt của dân tộc, là niềm tự hào dân tộc và thể hiện sự kính trọng đối với cha ông chúng ta đã dày công xây dựng đất nước, dân tộc.

Đây là môn quan trọng trong hình thành nhân cách con người, là môn bắt buộc mà nhiều khi các em còn chểnh mảng huống hồ là tự chọn.

Vì thế thiết kế môn lịch sử không nên theo kiểu giáo khoa trong nhiều năm qua, tức là xây dựng chương trình, bài giảng lịch sử dài dằng dặc rồi bắt học sinh phải nhớ. Cái đấy cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng mỗi trận đánh, mỗi sự kiện lịch sử để lại ý nghĩa gì trong hồn cốt của dân tộc. Đừng quá sa vào những chi tiết, các em không thuộc thì trên các phương tiện thông tin đại chúng có hết.

Vì thế phải nhìn lịch sử bằng một con mắt khác, mỗi trận đánh, mỗi sự kiện lịch sử nó đem lại cho chúng ta ý nghĩa gì, tác động gì đến tiến trình phát triển của dân tộc, cái đấy mới quan trọng.

Theo tôi nên thiết kế mỗi bài học lịch sử rất cơ bản.

PV: Vậy cần phải đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử thế nào để đảm bảo hiệu quả, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Phải thay đổi cách dạy và học lịch sử, mỗi sự kiện lịch sử đều để lại những dấu ấn, vì thế học lịch sử tưởng là khó nhưng rất dễ.

Dễ bởi nếu các em ngồi học trong trường lớp ở một mức độ nào đó thôi, còn lại nên cho các em đi tham quan, dã ngoại để chứng kiến những chứng tích lịch sử.

Ví dụ các em đến tham quan Bạch Đằng Giang thì các em sẽ thấy được toàn bộ, nước thủy triều lên xuống thế nào, tàu thuyền của quân địch bị mắc cạn bởi những cọc này thế nào. Các em thấy như vậy và các cô kể thêm những câu chuyện liên quan, nó sống động và in sâu vào tâm trí các em rất nhiều so với ngồi và đọc những trang sách, kể về những trận đánh đó.

Lịch sử không chỉ của cả nước mà mỗi địa phương đều có truyền thống lịch sử của mình, nên gắn lịch sử của dân tộc với lịch sử của từng địa phương thì sẽ sống động, làm cho tình yêu quê hương đất nước càng tăng thêm qua các bài học lịch sử.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cũng liên quan đến việc đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử, chia sẻ với phóng viên VOVGT, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cần thay đổi căn bản để lịch sử đi vào đời sống:

Trong đánh giá của xã hội đối với môn sử có một bộ phận chưa hài lòng với việc giảng dạy môn sử ở cấp THPT, dẫn đến hệ quả là các cháu không hứng thú, thậm chí là ngại, sợ học môn sử. Điều này cho thấy cần phải thay đổi một cách căn bản, làm sao những nội dung lịch sử ấy đi vào đời sống.

Ngày nay có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là trong ứng dụng công nghệ nghe nhìn, ngành giáo dục không phải không quan tâm, nhưng phải làm một cách bài bản hơn, để trở thành một phương pháp dạy và học tương đối thống nhất.

Thứ hai là trình độ của đội ngũ các thầy cô phải được đầu tư nhiều hơn nữa, trong đó có cả chúng tôi - những người tham gia nghiên cứu, những thành quả đó có thể đưa vào giảng dạy trong nhà trường."