Dạy ngoại ngữ, mỗi trường thu phí một kiểu

VOVGT - Trình độ sư phạm của giáo viên ngang nhau, học chung 1 giáo trình nhưng mỗi trường lại áp dụng các mức phí khác nhau.

 

Với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, triển khai chương trình dạy học tiếng Anh theo sách giáo khoa mới ở các cấp học, bậc học để đến năm 2020 đạt bước tiến rõ rệt về trình độ theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, năng lực sử dụng tiếng Anh trong các cấp học, bậc học, chương trình liên kết dạy ngoại ngữ đã được đưa vào triển khai trong các trường học công lập của Hà Nội từ bậc mầm non đến THPT. Có trường, tỷ lệ học sinh theo học chương trình liên kết lên đến 100%. Điều này cho thấy nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh rất lớn.

Có trường, tỷ lệ học sinh theo học chương trình ngoại ngữ liên kết lên đến 100%

Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội, mặc dù chất lượng học sinh học môn ngoại ngữ đang được nâng lên, đội ngũ giáo viên bản ngữ và giáo viên chuyên môn có sự tương tác tốt và đạt hiệu quả trong giảng dạy nhưng việc liên kết đào tạo đang gặp nhiều vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thống nhất, quy định về điều kiện cho các cơ sở giáo dục được liên kết dạy ngoại ngữ, quy định về cơ chế thu chi tài chính trong các chương trình liên kết; các cơ sở giáo dục khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu do số tiết học/tuần bị khống chế trong khung chung của thành phố.

Đánh giá về hoạt động thu chi học phí, ông Trần Thế Cương, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.Hà Nội cho hay, có trường thu của học sinh 700.000 đồng/tháng, nơi 400.000 đồng, có trường thu chỉ có 150.000 đồng/tháng/học sinh. Thậm chí ngoại thành học phí cao hơn nội thành như một trường Mầm non ở Thanh Trì thu tới 400.000 đồng/tháng/học sinh… Mức chênh lệch này cũng là một trong những băn khoăn hàng đầu của phụ huynh học sinh.

Anh Nguyễn Huy Nam, một phụ huynh học sinh có con học tiểu học cho rằng, điều mong đợi nhất từ chương trình liên kết là con có được phương pháp học đúng đắn ngay từ đầu, thay vì cách học khô khan, không hiệu quả của chương trình học cũ. Tuy nhiên, bản thân anh khi tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh, anh thấy năng lực của học sinh học chương trình liên kết không phải được nâng lên đồng đều.

Vậy trước sự phát triển rầm rộ các chương trình liên kết ngoại ngữ trong nhà trường, trách nhiệm của các nhà trường ra sao, cơ quan quản lý giáo dục giám sát các chương trình này thế nào? Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn rất rõ ràng về việc này. Sở chịu trách nhiệm thẩm định chương trình và tài liệu của chương trình liên kết ngoại ngữ ở tất cả các cấp học. Còn việc chương trình vào các nhà trường như thế nào thì hiệu trưởng các nhà trường thống nhất với cha mẹ học sinh và đăng ký trên tinh thần tự nguyện và thỏa thuận liên kết với trung tâm để thực hiện.

Ngoài ra, học phí học sinh phải nộp để học chương trình liên kết phụ thuộc và nhiều yếu tố. Trước hết là vào sĩ số học sinh, như Trung tâm Language Link yêu cầu sĩ số 20 học sinh trên 1 lớp trong khi các chương trình khác có thể cho phép 50-60 một lớp. Có những nơi chương trình có 50% giáo viên là người nước ngoài, có nơi không có người nước ngoài mà chủ yếu là giáo viên người Việt dạy bổ trợ. Nhà trường, trung tâm và phụ huynh cần thảo luận với nhau, thống nhất về mức học phí dạy. Nhà trường phải làm tờ trình bên cạnh đó là đề án rồi gửi lên Phòng giáo dục, Phòng tham khảo các phòng ban chuyên môn các đề án đó, bên cạnh đó là phòng Tài chính của quận/huyện thẩm định sau đó mới phê duyệt, chứ không phải tự trường hay trung tâm muốn đưa ra mức học phí nào cũng được.

Trước thực tế “trăm hoa đua nở” với các chương trình liên kết ngoại ngữ trong nhà trường, các chuyên gia, các nhà quản lý cũng đề nghị UBND quận chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các chương trình đào tạo liên kết, kiểm soát thu chặt chẽ; chỉ đạo các cơ sở xây dựng đề án liên kết đào tạo với các cơ sở tiếng Anh để nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thành mục tiêu theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Trong đó, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các đơn vị liên kết đào tạo; rà soát trang thiết bị đào tạo ngoại ngữ của các trường học. Đồng thời, tăng cường lấy ý kiến của hội cha mẹ học sinh để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình liên kết đào tạo.