Đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước

VOVGT - Hội nghị là cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của các bên tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ngày 28/8 vừa qua, tại thành phố Hạ Long Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị Tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại Khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.

Quang cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có gần 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, ngành; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố khu vực ền Bắc; công đoàn cơ sở trực thuộc ngành công thương; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, thời gian qua, ngành Công Thương đã đi đầu trong các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để đưa hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo.

Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đến nay các địa phương đã tổ chức được hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay đã xây dựng được 104 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, trong đó nhiều điểm bán được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Hội nghị là cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của các bên tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp và tổ chức các chương trình bán hàng giảm giá, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho đối tượng người lao động, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội: “Chương trình tuyên truyền, phổ biến đưa hàng hóa thiết yếu Việt Nam vào cái khu chế xuất, khu công nghiệp có tác dụng hết sức thiết thực và hiệu quả. Chúng ta đã hỗ trợ và giúp người lao động trong các khu công nghiệp khu chế xuất có thể tiếp cận với hàng hóa đảm bảo chất lượng và được chiết khấu giảm giá. Chương trình này cũng giúp Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có thể triển khai có hiệu quả”.

 

Bên lề hội nghị, có hoạt động trưng bày sản phẩm Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối để kết nối với các công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần phát triển các mô hình điểm bán hàng Việt Nam phục vụ công nhân, người lao động.

Hiện nay trên cả nước có hơn 20 triệu công nhân lao động, trong đó hơn 10 triệu người là công đoàn viên. Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, phấn đấu đến năm 2020 Tổng Liên đoàn sẽ có 50 thiết chế công đoàn tại các Khu công nghiệp trong cả nước đi vào hoạt động.

Đến năm 2030, tất cả các Khu công nghiệp trong cả nước đều có thiết chế công đoàn góp phần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng, thỏa mãn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đã trao đổi về các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng tới đối tượng công nhân, người lao động và các giải pháp thúc đẩy hoạt động cung ứng hàng Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Sài Gòn Co.op Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng người Việt, hưởng ứng tất cả các chương trình về nông thôn và các Khu công nghiệp, Khu chế xuất. Chúng tôi mong muốn truyền thông mạnh hơn nữa để sức lan tỏa mạnh hơn đến người lao động ở Khu công nghiệp và Khu chế xuất, để họ biết đến những chuyến hàng Việt của chúng tôi, để người lao động có thể mua trực tiếp những sản phẩm ưu đãi của chúng tôi”.

 

Bên lề hội nghị, có hoạt động trưng bày sản phẩm Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối để kết nối với các công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất góp phần phát triển các mô hình điểm bán hàng Việt Nam phục vụ công nhân, người lao động.

Chị Hoàng Thị Yến, công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Mình thấy tổ chức được những chương trình này là rất tốt, để người dân Việt Nam có cái nhìn đúng hơn về chất lượng hàng Việt. Mọi người có ý thức hơn để sử dụng hàng Việt Nam, góp phần cho việc phát triển các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước”.

 

Ngay trong hội nghị, 10 doanh nghiệp bán lẻ lớn, 50 doanh nghiệp sản xuất đã kết nối được với hàng chục Liên đoàn lao động của 15 tỉnh thành phố phía Bắc. Theo đại diện của các doanh nghiệp, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh Phiên chợ hàng Việt, chuyến xe lưu động đưa hàng Việt đến các khu công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, xây dựng những điểm bán hàng cố định tại khu công nghiệp lớn, với tiêu chí 100% hàng Việt, đảm bảo chất lượng, đặc biệt giá cả cạnh tranh phù hợp thu nhập của công nhân.