Đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Ngày 5/12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Sau hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với gần 11.000 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, 42 sản phẩm 5 sao. Trong đó, có hơn 5.300 chủ thể OCOP là các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và tổ hợp tác.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. 

Trong đó, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng ền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ền núi qua các kênh phân phối trong nước với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng. 

"Thời gian gần đây, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, Vụ Thị trường trong nước nhận thấy việc xây dựng và phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng ền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng", ông Tuấn nhận định.

Sản phẩm OCOP được giới thiệu quảng bá tại hội nghị

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

"Việc tuyên truyền, quảng bá, việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP xuất hiện ở nhiều hoạt động khác nhau như lồng ghép vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các Hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài…", ông Tuấn cho biết thêm.

Còn theo ông Đặng Quý Nhân - Phó trưởng phòng Quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP - Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - Bộ NN&PTNT, OCOP là đặc sản của địa phương nên sản phẩm phải thật sự tinh túy khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Nhân cho rằng, thời gian tới, cần chú trọng hơn tới việc truyền tải câu truyện, giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm OCOP, bên cạnh đó đầu tư bao bì, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để các sản phẩm OCOP có thể chiếm vị trí vững chắc trong các hệ thống phân phối hiện đại.

Nhiều biên bản thỏa thuận hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được ký kết tại hội nghị

Trao đổi tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất.

Đại diện tỉnh, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp, chủ thể OCOP chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện OCOP; thảo luận các giải pháp về chính sách, hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Chia sẻ giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử, gắn kết phát triển du lịch với tiêu thụ sản phẩm OCOP.