Đấu thầu không phải là cách duy nhất để cung ứng vắc xin

Trước tình hình các cơ sở y tế tại TP.HCM đã hết vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, Sở y tế TP mới đây đã phải gửi công văn gửi Bộ Y tế đề nghị “chi viện”

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu diễn ra tình trạng thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung ứng vắc xin ảnh hưởng đến công tác phòng bệnh cho trẻ em.

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học TP.HCM về vấn đề này.

PV: Thưa PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng thiếu nguồn cung ứng vắc xin. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan: Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) rất quan trọng trong việc phòng bệnh cho trẻ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Chương trình này liên quan đến sức khỏe, tính mạng trẻ vì vậy cần thực hiện một cách triệt để kịp thời và đầy đủ.

Trẻ em không thể sống mà thiếu vắc xin được, bởi vì nguy cơ bệnh tật tấn công sau đó rất lớn, khi tiêm cũng cần đúng thời gian, đủ số mũi. Chính vì vậy, thời gian qua tôi đánh giá chương trình TCMR và những vắc-xin cho chương trình này đang rất bị động.

Phải nói đây không phải lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM gửi công văn cho Bộ Y tế xem xét bổ sung vắc xin, trước đây cũng từng xảy ra tình huống tương tự. Điều này cho thấy việc cung ứng của chúng ta có nhiều vấn đề.

Ảnh nh họa

 

PV: Vậy thưa bà nguyên nhân từ đâu dẫn đến câu chuyện thiếu vắc xin liên tục và thường xuyên?

PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan: Nguyên nhân nằm ở chỗ vắc xin chương trình TCMR  từ trước được Bộ Y tế mua từ ngân sách  rồi được bảo quản ở các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phân bổ về từng địa phương. Nhưng trong năm nay có sự thay đổi, nguồn cung ứng trong việc mua sắm còn quá chậm chạp.

Cho nên vấn đề này ngành y tế phải xem lại, không thể ăn đong hàng năm, phải chuẩn bị dài hơi cho 3-5 năm và thậm chí hơn thế nữa, để không xảy ra đứt gãy. Phải làm sao để người dân tiếp cận TCMR, vì không phải người dân nào cũng có thể đủ tài chính để lựa chọn tiêm chủng dịch vụ.

Thứ 2, phương thức mua sắm đang có sự thay đổi về đối tượng chi. Thay vì lấy ngân sách Trung ương thì giờ phân bổ về ngân sách địa phương nghĩa là Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành phải tự đấu thầu để mua vắc xin.

PV: Thưa bà, nhắc đến vấn đề tự đấu thầu thì có những bất cập nào phải đối mặt?

PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan: Rất bất cập! Bản chất của đấu thầu rất mất thời gian cho nên nếu từng địa phương làm lẻ tẻ, có sự chênh lệch. Chưa kể trình độ bảo quản vắc xin tối ưu. Còn một vấn đề nữa là nếu như đấu thầu riêng lẻ thì không thể đảm bảo mỗi một loại vắc xin trúng thầu ở tất cả các tỉnh thành. Điều gì sẽ xảy ra nếu như trẻ em vì hoàn cảnh ở địa phương này dùng vắc xin này, khi chuyển địa phương khác lại dùng vắc xin khác.

Đấu thầu không phải là cách duy nhất để cung ứng vắc xin, chúng ta cần phải tăng cường nhiều hình thức thể hiện vai trò của Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế trong việc thương lượng, đàm phán giá.

Vắc xin là mặt hàng thiết yếu hết sức quan trọng và cũng không có nhiều nhà sản xuất. Chúng ta nên tổng hợp nhu cầu của toàn quốc rồi đàm phán hoặc tiến hành đấu thầu quốc gia để có một giá của vắc xin.

Từ đó bàn giao cho công ty trúng thầu nhu cầu địa phương rồi phân bổ về từng địa phương. Hoặc như trước đây, nhận hàng bảo quản ở các Viện rồi điều phối về từng tỉnh thành, nguồn tiền thì lấy từng địa phương. Ngân sách từ địa phương hay Trung ương thì cũng là tiền thuế của dân! Quan trọng nhất là có vắc xin cho trẻ em, không thể để chậm trễ chương trình TCMR.

PV: Với tư cách là Đại biểu quốc hội Đoàn TP.HCM, bà sẽ đề cập vấn đề này tại nghị trường Kỳ họp Quốc hội thứ 5, khoá XV sắp tới?

PSG.TS Phạm Khánh Phong Lan: Tôi dự kiến phát biểu khi Chính phủ có tổng kết về tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Vấn đề thiếu vắc xin là vấn đề quan trọng. Làm sao để không lặp lại việc thiếu triền ên, từ y tế dự phòng, điều trị và giờ là cung ứng vắc xin. Thực tế, khi đại biểu phản ánh, Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và tập trung để giải quyết.

Thách thức không nằm ở nguồn lực mà là vướng víu quá nhiều vào những thủ tục hành chính, vào cách hiểu về luật khác nhau, vào tâm lý nên tự chúng ta làm khó. Tôi mong chờ Bộ Kế hoạch, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế tháo gỡ để có điều kiện tốt đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị và vắc xin.

PV: Xin cảm ơn bà.