Đạo đức xã hội xuống cấp là gốc rễ của nạn bạo hành trẻ em

Dư luận đang vô cùng phẫn nộ về hành vi bạo hành của bảo mẫu đối với bé trai 6 tháng tuổi ở TP. HCM, gây dập não và thương tích tới 99%. Vụ việc này tiếp tục là hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và giải pháp nào để ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em? PV VOV Giao thông đối thoại với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương xung quanh nội dung này.

PV: Thưa bà đâu là nguyên nhân khiến cho các vụ bạo hành trẻ em ngày một gia tăng?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Bạo hành trẻ em ngày một gia tăng là một vấn đề ngày một báo động, ngày càng trở nên nhức nhối, trong khi đó chúng ta đã có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc.

Theo tôi có nhiều nguyên nhân nhưng nổi lên 2 nguyên nhân chính, một là đạo đức xã hội xuống cấp rất trầm trọng. Người ta sẵn sàng tấn công, hành hạ những đứa trẻ vô tội, không có năng lực tự bảo vệ, ở một số trường hợp còn là một sự độc ác và dã man, hậu quả thậm chí gây ra chết người.

Đối tượng bạo hành thường là những người rất gần gũi và thân quen với các em, những người lẽ ra phải nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở và bảo vệ cho trẻ em.

Thứ hai, hiện chúng ta đã rất quan tâm đến việc dạy kĩ năng sống cho trẻ trong nhà trường, nhưng dường như chúng ta chưa quan tâm đến kĩ năng sống của người lớn; cho nên có những vụ việc trẻ em bị bạo hành do người lớn không quản lý được cảm xúc của mình, khiến cho con người phản ứng một cách bộc phát, đến lúc gây hậu quả rất đau lòng và ân hận thì đã quá muộn rồi.

Sau khi được phẫu thuật não, bệnh nhi hiện nay vẫn chưa qua cơn nguy kịch. Ảnh: Gia đình cung cấp

PV: Vâng, như bà vừa phân tích thì hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em hiện khá đầy đủ, nhưng tại sao tình trạng bạo hành trẻ em vẫn xảy ra?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Một là chúng ta chưa chú ý một cách đúng mức đến vấn đề đạo đức xã hội, việc bồi đắp nhân cách, việc quan tâm đến đạo đức tâm lý xã hội là vô cùng cần thiết để bồi đắp tình cảm giữa con người với con người nói chung và sự che chở giữa người lớn với trẻ em nói riêng.

Bởi nếu thiếu đi điều này thì người ta sống với nhau rất lạnh lùng, tàn nhẫn, người ta dễ trút bạo lực lên trẻ em nhất, đây là điều cực kỳ nhức nhối.

PV: Để ngăn chặn bạo hành trẻ em cần có những giải pháp gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Trước tình trạng nhức nhối như thế này thì một hai giải pháp là không thể giải quyết được. Thứ nhất về thể chế chúng ta phải rà soát lại thật kỹ lưỡng những quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em và quyền của trẻ em.

Thứ hai cần phải có hành lang pháp lý thực sự đầy đủ trong việc quản lý những cơ sở nuôi dưỡng, trông trẻ. Bên cạnh đó tôi muốn nói đến trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, người lớn phải thực sự quan tâm đến việc chúng ta phải có được môi trường an toàn cho trẻ và phải bắt đầu từ chính gia đình.

Giải pháp nữa là phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cuối cùng gốc rễ của vấn đề vẫn là văn hóa, chúng ta hãy bắt đầu từ gốc rễ của nó, chúng ta phải bồi dưỡng đạo đức, nhân cách và văn hóa của con người.

PV: Xin cảm ơn bà